Tinh Hoa

Người đàn ông bỗng nhiên giỏi toán sau khi não bị tổn thương

Một trong những hình tròn được Padgett vẽ bằng cách xếp chồng nhiều hình tam giác lên. (Nguồn: huffingtonpost.com)


Năm 2002, Jason Padgett đã bị hai người đàn ông hành hung phía ngoài một quán karaoke, để lại cho anh những chấn thương nghiêm trọng cũng như rối loạn tâm lý sau chấn thương (PSTD). Nhưng tai nạn này cũng đã biến Padgett trở nên giỏi toán học.

Anh Padgett, một người bán đồ nội thất ở Tacoma (Washington) có rất ít hứng thú với các môn học thuật đã phát triển được khả năng hình dung các khối hình học phức tạp cũng như các khái niệm vật lý một cách rất trực giác. Việc bị thương có vẻ đã đánh thức một bộ phận của não giúp anh nhìn thấy mọi thứ qua lăng kính toán học.

“Tôi thấy các hình khối và các góc cạnh ở khắp mọi nơi, từ cầu vồng tới những giọt nước rơi. Chúng thật là đẹp,” anh Padgett chia sẻ.

Anh Padgett là một trong số những người hiếm hoi có hội chứng bác học, một hội chứng khiến người mắc phải có những khả năng phi thường sau khi bị bệnh hay bị thương nặng. Trong khi nhiều người có hội chứng này khác phát triển khả năng âm nhạc hay nghệ thuật, rất ít người phát triển khả năng toán học như Padgett.

Các nhà khoa học đã tìm ra vùng nào của não đã được kích hoạt lại để phát triển những khả năng thiên tài này, và kết quả nghiên cứu cho thấy ở hầu hết mọi người, vùng não này nằm im không hoạt động.

Trước khi tai nạn xảy ra, Padgett không biết gì nhiều hơn đại số cơ bản và thường xuyên gian lận khi làm bài kiểm tra. Nhưng tất cả đã thay đổi sau đêm anh bị hành hung.

Cách nhìn mọi thứ mới lạ của Padgett cùng đến với khả năng vẽ hình toán học đáng ngạc nhiên. Anh bắt đầu vẽ những hình tròn tạo thành bởi rất nhiều những hình tam giác chồng lên nhau để giúp bản thân hiểu về số pi. Anh nói rằng không bao giờ có một hình tròn hoàn hảo, bởi anh luôn nhìn thấy các cạnh của một hình đa giác gần tiến tới hình tròn qua những bản vẽ của mình.

Padgett không thích khái niệm vô hạn vì anh nhìn thấy mọi hình khối đều là một cấu trúc hữu hạn của những đơn vị nhỏ hơn mà các nhà vật lý học gọi là chiều dài Planck-đơn vị đo độ dài nhỏ nhất.

Padgett cũng bắt đầu vẽ được những khối hình học rất phức tạp dù trước đó anh không hề được học bài bản để hiểu những gì mà chúng thể hiện. Khả năng của Padgett khiến các nhà khoa học thần kinh rất hứng thú tìm hiểu cách anh phát triển những khả năng đó. 

“Đạt được những khả năng bác học sau chấn thương là một điều rất hiếm hoi. Chỉ có 15-25 trường hợp từng được ghi nhận trong lịch sử y khoa tới nay,” Brogaard cho biết.

Jason Padgett bất ngờ giỏi toán sau chấn thương. (Nguồn: huffingtonpost.com)


Kết quả chụp não của Padgett cho thấy những hoạt động mạnh ở bán cầu não trái của Padgett, nơi được cho là chịu trách nhiệm cho những khả năng toán học ở người. Tín hiệu não của anh sáng mạnh hơn ở đỉnh vỏ não, một vùng nằm sau đỉnh đầu có nhiệm vụ tổng hợp thông tin từ các giác quan. 

Hoạt động của thùy thái dương (hỗ trợ ghi nhớ hình ảnh, xử lý thông tin từ các giác quan và cảm xúc) cũng như thùy não trước (hỗ trợ thực hiện các chức năng, lập kế hoạch và hỗ trợ chú ý) cũng được ghi nhận.

Câu hỏi đặt ra là liệu những khả năng bác học có ở trong não của tất cả chúng ta hay không, hay não của Padgett có gì đặc biệt hơn khiến những khả năng này được bộc lộ. Brogaard cho rằng, Padgett đã khởi động được một vùng não vốn nằm im ở những người khác.

“Sẽ là một sự ngẫu nhiên nếu anh ấy có một bộ não đặc biệt và rồi bị chấn thương để kích hoạt nó. Và anh ấy cũng không phải người duy nhất có hội chứng bác học.”

Hội chứng bác học này cũng mang tới những bất lợi. Trong trường hợp của Padgett, đó là rối loạn tâm lý sau chấn thương và rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và anh cũng thấy rất khó khăn để ra ngoài giao tiếp. Nhưng anh vẫn rất thích khả năng mới của mình, bởi “Chúng thật tuyệt, tuyệt đến nỗi tôi không diễn tả được.”/.

Theo Vietnam+