Tinh Hoa

Báo chí Myanmar tự bôi đen trang bìa

Nhiều tờ báo ở Myanmar đã bôi đen trang bìa để phản đối những vụ bắt giam và phạt án tù gần đây với phóng viên.

Hành động này diễn ra sau khi phóng viên Zaw Pe của đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (Democratic Voice of Burma) bị tòa tuyên án một năm tù do tội “quấy rối nhân viên công quyền” và đột nhập trái phép.

 

Các nhà báo và tổ chức nhân quyền địa phương đã kêu gọi thả Zaw Pe.

Truyền thông Miến Điện trước đây bị kiểm duyệt rất nặng tay, chỉ mới được nới lỏng gần đây.

Phóng viên 41 tuổi Zaw Pe dự định sẽ kháng cáo.

Theo đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện, ông Zaw Pe đến phòng giáo dục của quận Magwe để phỏng vấn về một chương trình học bổng được Nhật Bản tài trợ.

Đài này đã đặt ảnh nền màu đen trên trang Facebook với thông điệp “báo chí không phải là tội phạm.” BBC Monitoring cho biết nhiều tờ báo khác cũng tham gia phản đối.

Một vài nhà báo đã bị bắt giam hoặc bỏ tù bởi nhiều cáo buộc khác nhau trong bốn tháng qua.

Những trang bìa màu đen trở thành đề tài được độc giả thảo luận rộng rãi ở Mandalay và Yangon, phóng viên BBC nói.

Tại Mandalay, nhiều nhà báo cũng phát tờ rơi để phản đối vụ bắt giam Zaw Pe.

Phóng viên Kyaw Zay từ đài Tiếng nói Dân chủ Miến Điện nói với BBC rằng phóng viên vẫn bị quấy nhiễu mặc dù chính quyền đã hứa về môi trường minh bạch và tự do hơn.

Môi trường báo chí

Myanmar vừa trải qua một chuỗi cải cách dân chủ từ khi chính quyền dân sự lên nắm quyền vào năm 2011, thay thế chế độ độc tài quân sự kéo dài hàng thập niên.

Kể từ đó, kiểm duyệt trực tiếp của chính phủ đối với truyền thông đã được dỡ bỏ, và báo tư nhân được phép xuất bản.

Nhưng phóng viên ở đây vẫn phải đối diện với một trong những môi trường báo chí khắc nghiệt nhất thế giới.

Myanmar xếp thứ 145 trên 180 nước về chỉ số tự do báo chí, theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới.

Trong một thông báo vào thứ Năm, trưởng tổ chức này tại Châu Á-Thái Bình Dương Benjamin Ismail nói rằng án tù của Zaw Pe là rất đáng lo ngại cho quyền tự do thông tin ở Myanmar.

“Việc viên chức địa phương ngăn cản hoạt động của phóng viên rồi lại bắt bỏ tù vì họ cảm thấy bị anh ấy quấy nhiễu là điều không thể chấp nhận được,” ông Ismail nói.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền địa phương thả Zaw Pe và chính phủ đảm bảo rằng tự do báo chí được tôn trọng ở khắp nơi trên đất nước, bất kể Rangoon hay nơi nào khác.”

Theo BBC