Tinh Hoa

Số phận những người đóng thế Stalin

Dư luận luôn đặt câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin (1879-1953) từng có bao nhiêu người đóng thế? Và số phận của những người thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật này giờ ra sao? Câu trả lời cuối cùng cũng được hé lộ sau khi tờ Pravda của Nga cho đăng tải hồ sơ giải mật của Ủy ban An ninh Liên Xô (KGB) vốn trước đây được khoá kỹ trong các két sắt của cơ quan này.
[links] Trước khi hồ sơ được giải mật, tất cả những tài liệu liên quan đến việc đóng thế của các quan chức cấp cao, đặc biệt là của nhà lãnh đạo Stalin đều được liệt vào dạng tuyệt mật. Thực tế, công việc của người đóng thế vô cùng gian khổ và hiểm nguy. Họ phải sống xa gia đình, hoạt động bí mật như “mồi nhử” nhằm thu hút những kẻ ám sát tránh xa điện Kremlin và các vị lãnh tụ.

Nghiệp diễn bất đắc dĩ

Vào một buổi tối, một chiếc xe hơi màu đen sang trọng đến tận nhà đón Evsei Lubitsky. Và cũng bắt đầu từ đó, ông không bao giờ được phép gặp gỡ hay liên lạc với những người thân trong gia đình mình. Ông đã chính thức bước chân vào “nghiệp diễn bất đắc dĩ” đầy vinh quang, nhưng cũng đầy nguy hiểm.

Theo Pravda, để bảo vệ lãnh đạo chủ chốt, nhất là trong thời chiến, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ủy viên TƯ ĐCS Liên Xô Sergei Kirov đã đề xuất tìm người đóng thế nhà lãnh đạo Stalin và cái tên Evsei Lubitsky, người Ukraine đã được chọn để trở thành “người đóng thế số 1” của Stalin.

Felix Dadaev ( và trái)  và Joseph Stalin

Để có bề ngoài giống Stalin, các cơ quan thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô đã thành lập hẳn một nhóm chuyên gia và công việc “cải trang” Lubitsky thành Stalin kéo dài tới hơn 6 tháng. Đầu tiên, họ tiến hành phẫu thuật ngoại khoa như chỉnh mũi, tạo “nốt ruồi” trên mặt… khiến cho ông giống hệt Stalin.

Sau khi các công tác chuẩn bị hoàn tất, tất cả những ai tham gia vào công việc bí mật này như thợ may, chuyên gia hoá trang, thợ cắt tóc… đều được đưa đến một địa điểm bí mật cách xa vị trí đóng thế.

Kể từ khi được chọn trở thành người đóng thế, cuộc sống của Lubitsky đã thay đổi hoàn toàn. Hàng ngày, ông được thưởng thức các món sơn hào hải vị, mặc toàn đồ may riêng và tham dự nhiều lễ chiêu đãi với thân phận của một quý tộc.

Cũng chính từ đó mà ông đã học hỏi được nhiều về cuộc sống của giới thượng lưu, đồng thời cải thiện khả năng ứng biến trước các tình huống khác nhau. Do Lubitsky là người Do Thái nên mới đầu Stalin không hề thích ông. Thế nhưng, thái độ của nhà lãnh tụ nhanh chóng thay đổi hoàn toàn vì Lubitsky đã diễn quá tốt.

“Vai diễn” đầu tiên là Stalin tiếp đoàn đại biểu công nhân mỏ nước ngoài, Lubitsky đã thực hiện rất thành công. Sau lần đó, Lubitsky được Stalin gọi đến phòng làm việc và để ông ngồi vào vị trí “lãnh đạo”, còn bản thân Stalin thì đứng ở một vị trí khác để quan sát xem Lubitsky xử lý những báo cáo của “cấp dưới” ra sao.

Theo đó, Lubitsky đã đóng thế cho Stalin trong khoảng thời gian 15 năm, thậm chí cả trong nhiều sự kiện lớn như chủ trì những buổi lễ kỷ niệm tại Quảng trường Đỏ hay hội kiến các đoàn đại biểu nước ngoài.

Khi trình độ diễn xuất của Lubitsky cực kỳ thành thục, cũng là lúc Stalin bắt đầu có những thay đổi trong cách nhìn đối với ông. Lý do thật đơn giản, Lavrenty Beria, người đứng đầu lực lượng cảnh sát mật của Liên Xô, đã không ít lần nói với Stalin rằng, người đóng thế của ông “ngày một nguy hiểm”. Năm 1949, Lubitsky bị thẩm tra bí mật, sau đó bị bắt với tội danh “âm mưu phá hoại hình tượng lãnh tụ”.

Bộ râu “kiểu Stalin” mà ông dày công chăm sóc nhiều năm bị cạo sạch, đồng thời còn bị cảnh cáo “không được phép để râu”. Sau đó, Lubitsky bị đưa đến trại tập trung đặc biệt tại Solovei và phải sống cơ cực tại đây.

Sau khi Stalin mất, Lubitsky được trả tự do và được “đề nghị” đến sống tại một thành phố khác, và ông đã chọn thành phố Stalinabad (nay là Thủ đô Dushanbe của Tajikistan), chấp nhận cuộc sống cô độc một mình nơi đất khách cho đến lúc chết. Trong suốt thời gian đó, ngoài mỗi tháng có một người đến đưa lương hưu cho ông, ông không hề được liên hệ với bất cứ người nào.


Người đóng thế duy nhất còn sống

Đó là ông Felix Dadaev, vốn là một nghệ sĩ múa nổi tiếng của Liên Xô trước đây, vừa bước vào tuổi 90. Kể từ khi trở thành “người đóng thế” cho Stalin, ông không dám tiết lộ với vợ con về công việc bí mật này, bởi nó quá nguy hiểm, chỉ có sự im lặng, ông và gia đình mới có thể tiếp tục sống.

Tên thật của Dadaev là Gazavate (Gakin), có nghĩa là “chiến sỹ của niềm tin”, sau đó ông lại đổi tên thành Felix để kỷ niệm những chiến hữu của mình đã hy sinh trong chiến tranh. Felix sinh tại một khu làng nhỏ ở Dagestan. Chiến tranh xảy ra, ông đăng ký nhập ngũ và được điều động vào Đoàn Văn công Sư đoàn 132.

Felix có ngoại hình rất giống Stalin, bất kể người nào gặp ông cũng đều kinh ngạc. Mặc dù tỏ ra khá khó chịu về những câu đùa của một số người dân khu vực ông sống, song trong thâm tâm ông lại rất đắc ý với ngoại hình đặc biệt của mình.

Năm 1943, ông “lọt mắt xanh” Bộ Nội vụ Liên Xô và được bí mật đưa đến Matxcơva trên một chuyến bay không tên và được sắp xếp ăn ở tại một ngôi biệt thự ở ngoại ô thành phố. Ngày hôm sau, người của Bộ Nội vụ đến thông báo với ông chỉ một câu ngắn gọn: “Cắt đứt mọi quan hệ cá nhân với người thân, không được để lộ danh tính và sự có mặt của ông tại Matxcơva cho bất cứ ai và sẵn sàng nhận nhiệm vụ bí mật”…

Việc đóng thế là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Mặc dù Felix đặc biệt giống Stalin, chiều cao cũng tương đương (Stalin cao 1m72, còn Dadaev cao 1m70), nhưng thời điểm đó, Felix khá gầy, nên đây chính là điểm khác biệt lớn với Stalin. Felix được sắp xếp một chương trình tăng cân nghiêm ngặt, kết quả trong thời gian ngắn đã tăng 11 kg.

Công việc tiếp theo là bắt chước hành động của Stalin, đây là công việc rất khó khăn, bởi lẽ khi đó, Stalin đã hơn 60 tuổi, và việc để một thanh niên trẻ tuổi như Felix (trẻ hơn Stalin gần 40 tuổi) đóng thế quả là mạo hiểm.

Ngoài việc lấy răng lược đâm vào mặt nhằm tạo gương mặt rỗ giống Stalin và trang điểm cho da rám nắng hơn, trong suốt mấy tháng liền, người ta liên tục cho ông xem phim tư liệu về Stalin, rồi tập cách biểu lộ gương mặt, nhái giọng nói, bắt chước dáng đi… Sự giống nhau của khuôn mặt, dáng người, cộng với tài năng của một nghệ sĩ, Felix đã thực sự khiến ngay bản thân nhà lãnh tụ Liên Xô cũng cảm thấy ngạc nhiên.

Vì lý do an ninh, mọi chuyến đi của ông đều được tính toán tỉ mỉ như việc đưa Stalin ra sân bay hay tới một thành phố nào đó, thì người ngồi trong xe hơi đi ra từ điện Kremlin bao giờ cũng là người đóng thế. Mọi người đều tưởng rằng đó là Stalin, nhưng trên thực tế Stalin lúc này đã chọn con đường khác.

Lúc nào từ điện Kremlin đi ra cũng đều có hai con đường, một công khai và một bí mật. Ví dụ như năm 1943, Felix đóng thế Stalin tham gia Hội nghị thượng đỉnh Tehran. Đúng giờ đã định, Felix bước lên xe và được đưa đến sân bay dưới sự hộ tống của đội cảnh vệ. Trong khi đó, Stalin thật lúc này đã ở Tehran. Felix không hề đi Tehran, sứ mệnh của ông đã hết ngay tại sân bay…

Sau khi hồ sơ được giải mật, Felix Dadaev được về sống với gia đình, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý của Nhà nước Xô Viết như Chiến sỹ chiến tranh vệ quốc, Anh hùng lao động XHCN… Tuy nhiên, ông tâm sự ông không muốn nhớ về quá khứ lừng lẫy mà muốn quên đi cuộc sống thứ hai khiến ông lo nhiều hơn vui.
 
(TG&VN – Pravda)