Tinh Hoa

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm tàu sân bay Trung Quốc

Trung Quốc sẽ khoe tàu sân bay Liêu Ninh với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào hôm nay 7/4, cho phép ông được tận mắt chứng kiến con tàu được xem là biểu tượng của sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.




Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Ông Hagel sẽ bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày với chuyến thăm tàu sân bay Liêu Ninh tại căn cứ hải quân Yuchi ở Thanh Đảo. Giới chức cho hay ông Hagel là quan chức nước ngoài đầu tiên được mời lên thăm hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. 

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, chuyến thăm tàu sân bay có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Washington cố gắng thúc đẩy một cuộc đối thoại với giới chức cấp cao Trung Quốc nhằm giảm bớt các căng thẳng và hối thúc Bắc Kinh cởi mở hơn nữa về quân đội. 

“Chúng tôi đã đề nghị chuyến thăm này và họ đồng ý”, quan chức giấu tên trên cho biết. 

Tàu sân bay, Liêu Ninh, “là biểu tượng cho tham vọng của hải quân Trung Quốc nhằm đẩy mạnh sức mạnh hải quân”, quan chức trên nói. 

Liêu Ninh từng là một tàu chiến do Liên Xô chế tạo tại Ukraine và được Trung Quốc mua về để tân trang. Công tác sửa chữa được hoàn thiện vào tháng 9/2012 trong một bước ngoặt biểu tượng cho sự mở rộng quân sự của Bắc Kinh. 

Trung Quốc cũng được cho là đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 2 trong số 4 chiếc được lên kế hoạch và dự kiến sẽ bắt đầu vận hành một phi đội gồm khoảng 30 máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh vào đầu năm tới. 

Không giống các tàu sân bay của Mỹ, Liêu Ninh không phải là một tàu sân bay hạt nhân và có tầm xa ngắn hơn và cũng không có hệ thống phóng máy bay hiện đại. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Liêu Ninh đã giúp củng cố hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc quân sự với tầm với toàn cầu. Hàng không mẫu hạm này cũng có thể được sử dụng trong các cuộc đối đầu với các quốc gia nhỏ hơn vốn có các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. 

Cùng với Liêu Ninh, Trung Quốc cũng dành các khoản đầu tư lớn cho tàu ngầm, tên lửa chống hạm và các khí tài khác được thiết kế nhằm tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc trong một khu vực vốn bị hạm đội của Mỹ thống trị. 

An Bình

Theo AFP/Dantri