Tỉnh Kon Tum giao hơn 510.000ha rừng cho 18 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp và Ban quản lý, vậy mà khi rà soát lại đã có hơn 41.000ha đất rừng bị mất so với diện tích mà tỉnh giao cho chủ rừng.
Khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân rừng bị mất, lãnh đạo các công ty, ban quản lý đều viện các lý do để từ chối trả lời, hoặc từ chối tiếp. Như trường hợp của Công ty TNHH MTV Ngọc Hồi, mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi phóng viên đến thì ông Khôi – Giám đốc công ty này lấy lý do bận họp để từ chối. Còn Giám đốc Công ty TNHH MTV Đăk Tô – ông Nguyễn Thành Chung lại đổ lỗi cho việc để mất rừng do yếu tố… lịch sử, kế tiếp là áp lực thiếu đất sản xuất do hậu quả của cơn bão số 9.2009 để lại. Ngoài ra, ông Chung còn viện dẫn việc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Kon Tum chậm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cũng ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Ngô Văn Hải – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường rừng Kon Tum, khẳng định ý kiến của ông Chung là không hợp lý bởi tiền DVMTR mới có từ năm 2011, trong khi rừng bị người dân lấn chiếm đã từ lâu. Hơn nữa, bảo chưa chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng là không chính xác vì quỹ đã tạm ứng tiền cho các chủ rừng.
Còn ông Nguyễn Hữu Nho – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho hay, UBND tỉnh đã có Quyết định 969/QĐ-UBND về việc ban hành phương án giải quyết đất giao chồng lấn, nằm trong lâm phần các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Về phần trách nhiệm, ông Nho khẳng định đã tiến hành kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư4.
Trách nhiệm của các chủ rừng, đơn vị chủ quản trong việc để mất rừng ở Kon Tum như nói trên là quá rõ. Hiện dư luận đang lo ngại nếu việc phá rừng không bị xử lý nghiêm túc, rừng Kon Tum có thể sẽ tiếp tục bị xẻ thịt và người có trách nhiệm sẽ lại đổ lỗi lòng vòng.
Theo Danviet