Tinh Hoa

Cấm tàu cánh ngầm: ‘Chết đói’ từ xe ôm đến doanh nghiệp

Bến tàu cao tốc cánh ngầm trước đây dập dìu xe cộ nay đìu hiu từ khi có lệnh cấm hoạt động. Hàng trăm con người sống nhờ vào tàu cánh ngầm đang lay lắt chờ đợi chưa biết khi nào hoạt động trở lại.
 

Bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM), trước là nơi neo đậu của hàng chục tàu cao tốc chạy tuyến TP.HCM-Vũng Tàu, cảnh đìu hiu bày ra trước mắt. Phòng vé đóng cửa, dưới bến không có một chiếc tàu nào neo đậu.
 “Chết đói rồi chú ơi”

Hàng chục xe ôm ngồi nghiêng ngả ở khu vực bán vé tàu cao tốc, ai nấy mặt buồn xo. “Hồi trước đông khách ngày kiếm vài trăm ngàn. Giờ chết đói thật rồi chú ơi”- ông Phạm Văn Chính, một xe ôm luống tuổi nói. 

“Tự dưng thành thất nghiệp, kiếm việc khác sống cũng không được. Không biết phải sống thế nào nữa”- chị Nhân, nhân viên Greenlines nói.
Bến tàu cao tốc là “cần câu cơm” của gần 70 xe ôm. Nay tất cả đều thất nghiệp. Khổ nhất là tổ xe ôm tự quản phục vụ bến tàu, tất cả đều không tìm được bến mới nên cuộc sống bấp bênh. Chỉ vài xe ôm bám trụ lại phòng vé hy vọng may mắn có khách lẻ.
Bên trong khu bán vé, các quầy bán vé cửa đóng then cài. Chỉ có hai quầy vé tàu cao tốc của Vina Express và Petro Express có nhân viên túc trực. Nhiệm vụ duy nhất của họ là… thông báo với khách tàu cánh ngầm đang bị cấm. 
“Nói với khách vậy chứ tụi em chẳng biết chừng nào mới hoạt động lại”- nhân viên bán vé hãng Petro Express buồn rầu. Cô cho biết, từ lúc có lệnh cấm bến tàu trở nên đìu hiu. Mỗi ngày chỉ tiếp vài người tới hỏi mua vé do chưa cập nhật thông tin.
Bến tàu nhộn nhịp bây giờ hiu hắt, không một tàu cao tốc nào neo đậu 
Hãng tàu Petro Express trước đây mỗi ngày trung bình chở 1.000 khách trên hàng chục chuyến tàu hai chiều TP.HCM – Vũng Tàu. Từ khi có lệnh cấm, hàng chục nhân viên “ngồi chơi xơi nước”, nhiều người đang tất tưởi chạy tìm công việc khác. 
“Bọn em còn được công ty hỗ trợ lương chứ những nơi khác không có gì, thấy chị em khổ sở lắm”- cô nói. Hiện tại nhân viên phòng vé vẫn trực, các tài công thì bám giữ tàu. Nhưng tình trạng này kéo dài, khả năng công ty cắt lương không còn lâu nữa.
Trước đó, 100 nhân viên hãng tàu Greenlines phải nghỉ việc không lương kể từ ngày 15.2 vì công ty này không còn tiền trả lương. Lý do là lệnh cấm khiến doanh nghiệp không có nguồn thu. 
“Tự dưng thành thất nghiệp, kiếm việc khác sống cũng không được. Không biết phải sống thế nào nữa”- chị Nhân, nhân viên Greenlines nói.
Bên trong các quầy vé thưa vắng người. Nhân viên trực chỉ để thông báo: “Tàu cao tốc đang bị cấm” 

Quýt làm cam chịu

Tại TP.HCM hiện có 3 hãng tàu cánh ngầm hoạt động, gồm: Công ty CP Dòng Sông Xanh (Greenlines Express), Công ty CP Tàu cao tốc Vina (Vina Express) và Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng (Petro Express) với 21 phương tiện đăng ký. Mỗi phương tiện có sức chứa từ 75-140 khách. Trước khi có lệnh cấm, trung bình mỗi ngày có từ 20-25 chuyến xuất bến từ TPHCM.

Lãnh đạo hãng Greenlines cho biết lệnh cấm chạy tàu khiến doanh nghiệp bị mất hơn 200 triệu đồng/ngày. Nhiều tháng nay, tính ra số tiền bị thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.

 “Chúng tôi chỉ chuyên kinh doanh vận tải tàu cánh ngầm. Giờ không có nguồn thu gì khác để duy trì hoạt động. Nếu lệnh cấm kéo dài, doanh nghiệp không biết làm sao tồn tại”- ông này cho hay.

Lãnh đạo hãng Greenlines cho biết lệnh cấm chạy tàu khiến doanh nghiệp bị mất hơn 200 triệu đồng/ngày. Nhiều tháng nay, tính ra số tiền bị thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.
“Một chiếc tàu bị cháy dẫn đến việc cấm toàn bộ hoạt động, khác nào quýt làm cam chịu”-Giám đốc Bùi Hữu Tùng của hãng Vina Express bức xúc. Ông cho biết thêm, doanh nghiệp đã hoạt động gần 20 năm, vận chuyển gần 13 triệu lượt khách, tất cả đều an toàn. Năm 2013, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng để mua sắm và thêm 5 tỷ đồng để sửa chữa bảo dưỡng các tàu cánh ngầm. 
Lệnh cấm được đưa ra vào thời điểm Tết nguyên đán. Toàn bộ chi phí đầu tư không có cách nào thu lại được, coi như mất trắng. Từ chỗ ăn nên làm ra, doanh nghiệp dần đi vào điêu đứng. Đại diện Petro Express cũng khẳng định đã hoạt động từ năm 1993 đến nay, chưa một hành khách nào bị thương. Lệnh cấm tàu cánh ngầm hoạt động là quá “mạnh tay. 
“Chúng tôi không biết làm gì ngoài việc chờ đợi. Để duy trì lương cho người lao động, chúng tôi đã phải vay mượn rất nhiều và khả năng duy trì không còn được lâu nữa. Bộ cấm hoạt động nhưng không đưa thời hạn khác nào “treo” luôn doanh nghiệp và cuộc sống hàng trăm người ở bến tàu”- vị này bức xúc.
Chiều 20.1, tàu Vina Express 01 (số đăng ký SG 3837) thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần tàu cao tốc VinaPetro bị cháy. Ngay lập tức, TP.HCM đã ra lệnh cấm chạy tàu cánh ngầm tuyến này kể từ 22.1. Nguyên nhân vụ cháy đến nay vẫn chưa được làm rõ. TP.HCM và Bộ GTVT đã lập các đoàn kiểm tra chất lượng tàu cánh ngầm trước khi quyết định có tiếp tục cho phép duy trì hoạt động của loại phương tiện này hay không. Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng nay, vẫn chưa có thời hạn cụ thể “phán quyết” số phận tàu cánh ngầm.
Kiến Giang
Theo Motthegioi