Tinh Hoa

Tại sao tòa án Tây Ban Nha truy nã Giang Trạch Dân?


Mới đây, Thẩm phán Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã yêu cầu Interpol ban hành lệnh tìm kiếm và bắt giữ đối với Giang Trạch Dân do những cáo buộc về diệt chủng, tra tấn và các tội ác chống lại nhân loại.

Ngày 7 tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Tây Ban Nha ngăn chặn các vụ kiện vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, và phản đối mạnh mẽ việc một tòa án ra lệnh truy nã quốc tế Giang Trạch Dân. Yêu cầu của thẩm phán Tây Ban Nha dựa trên cáo buộc của các nhóm nhân quyền Tây Tạng ở Tây Ban Nha trong khuôn khổ thẩm quyền phổ quát. Lệnh bắt giữ quốc tế cho phép bắt giữ kịp thời Giang Trạch Dân trong trường hợp ông ta rời khỏi Trung Quốc .

Ngày 10 tháng 2 , Reuters đưa tin, Thẩm phán Tòa án Tối cao Ismael Moreno đã yêu cầu Interpol ra lệnh bắt giữ cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng và cựu Thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Kiều Thạch Ngoài ra, lệnh bắt giữ còn bao gồm cựu thư ký Ủy ban Tây Tạng Trần Khuê Nguyên và cựu chủ tịch Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình Bành Bội Vân .

Các trường hợp vi phạm đã được báo cáo bởi hai tổ chức nhân quyền Tây Tạng. Một nhà sư Tây Tạng quốc tịch Tây Ban Nha, tố cáo cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Lý Bằng với tội ác chống lại nhân loại vào năm 2006. Họ đã cáo buộc 5 bị cáo tham dự tích cực vào việc đưa người Hán vào định cư tại khu vực tự trị Tây Tạng. Các cáo buộc cũng bao gồm tra tấn bất hợp pháp và ngược đãi hàng ngàn người Tây Tạng.

Thẩm phán Moreno đã viết trong phán quyết rằng: “Giang Trạch Dân là người giám sát trực tiếp các việc làm bất hợp pháp. Vậy nên ông ta phải có trách nhiệm với hành động tra tấn và vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng của cấp dưới.”

Dawa Tsering, Chủ tịch Quỹ Tôn giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Đài Bắc trả lời: “Tội ác diệt chủng văn hóa Tây Tạng và vi phạm nhân quyền này được thực thi dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mọi quan chức đều nhúng tay vào. Thế nên chúng tôi rất vui mừng khi biết mình được ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và có cách thức để duy trì những giá trị phổ quát.”

Luật pháp Tây Ban Nha cho phép “nguyên tắc thẩm quyền phổ quát.” Nghĩa là, bất cứ ai phạm tội phản nhân loại sẽ bị Tây Ban Nha truy tố xuyên biên giới dù ở bất cứ đâu.

Dawa Tsering: “Rất nhiều quốc gia chạy theo Trung Quốc, với cái giá phải trả là trách nhiệm đạo đức. Hầu hết đều không dám khiêu khích Trung Quốc tại thời điểm hiện tại. Phán quyết của tòa án Tây Ban Nha với một lệnh truy nã lãnh đạo tà ác của chế độ Trung Cộng, quả là một hành động mang tính lịch sử. Bất chấp giá trị vật chất, đề cao luật pháp quốc tế và giá trị phổ quát.”

Reuters đưa tin rằng, đây là khái niệm từng được sử dụng bởi cựu Thẩm phán Baltasar Garzon. Điều này đã giúp ông trong việc bắt giữ cựu độc tài Augusto Pinochet tại Luân Đôn vào năm 1988.

Hạ Minh, giáo sư Khoa học Chính trị Đại học Thành phố New York cho biết: “Trung Quốc khai thác sức mạnh kinh tế của mình, mua chuộc truyền thông và xây dựng hình ảnh như nó mong muốn. Vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, đàn áp tín đồ Công giáo, đàn áp Phật giáo Tây Tạng và Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, bức hại Pháp Luân Công. Không gì mà họ không làm. Nếu không nhờ Mỹ dẫn đầu các nước phương Tây để tạo thành liên minh, tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc sẽ không bỏ qua đâu.”

[Dawa Tsering] “Trung Cộng sẽ nói đây là thế lực thù địch chống phá. Nhưng ít nhất, nó cũng cảnh báo các lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như những quan chức vô đạo đức đã vi phạm nhân quyền và gây hại cho nhân dân. Để cho họ biết rằng, không phải muốn làm gì cũng được, luôn có những người đang quan sát họ.”

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Tây Ban Nha ban hành lệnh truy nã Giang Trạch Dân. Gần đây nhất, năm 2009, Tòa Án Quốc Gia Tây Ban Nha đã kết án 5 quan chức cấp cao của Trung Quốc vì tội diệt chủng , tra tấn và thi hành chính sách đàn áp Pháp Luân Công. Đó là Giang Trạch Dân, La Cán, Bạc Hy Lai, Giả Khánh Lâm và Ngô Quan Chính. Sau 2 năm Tòa Án Quốc Gia Tây Ban Nha điều tra và thu thập chứng cứ, Thẩm phán Tòa án Tối cao Ismael Moreno đã thông báo cho Tổ chức Luật Nhân Quyền – HRLF rằng: “Tòa Án đồng ý với nội dung khiếu nại, chấp nhận truy tố các tội phạm “diệt chủng” và “tra tấn” trong khuôn khổ tội phản nhân loại của 5 quan chức Trung Quốc cấp cao.

Chế độ Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Cộng đồng học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã lên án 30 quan chức Đảng và vai trò của họ trong vụ đàn áp. Trong số đó, bị cáo hàng đầu chính là Giang Trạch Dân, người khởi xướng cuộc bức hại.

Theo NTD