Cuối tháng 7 vừa qua các kênh thông tin quốc tế đưa tin về chuyện có quá nhiều tỉ phú USD người Trung Quốc “bất đắc kỳ tử”, bằng khoảng 1/3 hoặc 1/2 quân số tỉ phú hiện có của nước này, theo các nguồn khác nhau. Học giả trong ngoài Đại lục bình luận khá sôi nổi quanh sự kiện “của” không chịu đi thay người này.
Tiền nhiều – thọ yểu
Theo tờ China Daily (Nhân dân Nhật báo) tiết lộ(1), từ năm 2003 tới nay, 72 tỉ phú chết bất thường. 15 người bị ám sát, 17 người tự tử, 7 người chết vì tai nạn, 14 người bị xử tử theo pháp luật, và 19 chết bệnh. Tờ báo này tiết lộ thêm rằng Trung Hoa đang là ngôi nhà chung cho 6 vạn đại phú có tài sản 100 triệu NDT (khoảng 15,5 triệu USD), dẫn số liệu của Group M Knowledge – Hurun Wealth Report 2011. Theo số liệu vẫn của viện Hurun, năm 2009, Trung Quốc có 55 ngàn đại phú (tài sản 100 triệu NDT).
Ông chủ “Google” của Trung quốc Robin Li hơi “bị” trẻ” (Ảnh: Asianews) |
Đại nhảy vọt tỉ phú
Số lượng tỉ phú của nước này, theo China Network Television CNTV hiện là 189 người. Còn theo Forbes, đại lục chỉ có 115 tỉ phú, nhưng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (64). Số lượng tỉ phú của Hoa Kỳ hiện là 413 vị, lên được 10 vị so với năm 2009 (403 vị). Có người Mỹ bình luận rằng ai đó đang phóng đại số tỉ phú Trung Quốc để hù doạ Mỹ (disinfo to scare US of China).
Forbes cho rằng năm 2011 là năm của Trung Quốc, khi đại lục đứng thứ hai (chưa kể 36 tỉ phú của Hồng Kông và 25 tỉ phú của Đài Loan) sau Mỹ, trên danh sách sở hữu tỉ phú của toàn cầu (trên thực tế là từ 54 nước). Nga có 101 tỉ phú, nay trụt xuống vị trí thứ 3.
Tháng 3/2011, Nhân dân Nhật báo (2) loan báo “Kinh tế hùng hậu của Trung Hoa đã giúp châu Á trở thành nhà máy sản xuất các tỉ phú đô la mới” , rằng theo Forbes, hiện châu Á đã sở hữu tới 332 vị tỉ phú, lần đầu tiên vượt châu Âu (300 tỉ phú) về thành tích thi đua này.
Nhưng trong cuộc đua “ai là tỉ phú”, nhiều đại gia người đại lục đã đoản mệnh bất thường. Con người là vốn quý, nhất là những vị thành đạt (và từng lao động cực nhọc) như thế, nên con số 72 tỉ phú chết vẫn làm nhoà đi những hào quang, và buộc ta suy nghĩ.
Những tâm hồn cô độc
Một số ý kiến từ Nga, qua kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa tư bản nguyên thuỷ ở xứ bạch dương, cho rằng thỉnh thoảng lại có cuộc làm trong sạch đội ngũ (nguyên văn: tổng vệ sinh тотальная чистка), một số vị phải bỏ chạy ra nước ngoài (như Lai Changxing, “Berezovsky của Trung quốc”), vị thì “hy sinh”, bị kẹp giữa bàn tay (sắt) hữu hình (như của công quyền Nga) và Bàn Tay Đen. Họ cũng cho rằng, nguyên nhân cái chết ở xã hội tân thị trường mang màu sắc này kia, thường được biến điệu, hoặc chưa được điều tra kỹ, nên các thông tin có được có lẽ vẫn chưa thấy hết sự thật.
Các nhà Trung Quốc học của Nga cho rằng nghề tỉ phú ở Trung (Quốc ????) hiện có thể là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Theo họ, nghề cảnh sát là nguy hiểm nhất ở Đại lục, hiện vẫn có tỉ lệ người chết bất thường hàng năm gấp đôi tỉ lệ người chết bất thường của giới đại phú ở Trung Quốc (có tài sản khoảng 100 triệu ND tệ) (3).
Ông Ding Chun – shan, giám đốc Trung tâm phục hồi sức khoẻ thành phố Changchun (Trường Xuân) cho hay dù tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là 70 tuổi, “tầm tuổi chết vì bệnh của tỉ phú Trung Quốc thấp hơn đáng kể”.
Theo ý kiến từ châu Âu, đừng quá ngợi ca khả năng kiềm chế xúc cảm kiểu châu Á. “Lạnh ngoài nóng trong” thực ra lại là một thứ thùng thuốc súng, dễ đột ngột nổ tung, thành trạng thái bệnh lý như đột quỵ, vỡ tim, đứt động mạch chủ… với hậu quả trí mạng.
“Gà mái sống dai”?
Trong số 72 tỉ phú yểu mệnh, có tới 70 người là đàn ông, chiếm 97%. Con số này cũng gần khớp với tỷ lệ giới tính trong danh sách đại gia của Trung quốc của Viện Hurun và Forbes (1999 – 2000), đàn ông chiếm 91,72% trong tổng số tỉ phú nước này.
Học giả nước ngoài cho rằng một tỉ lệ như thế phù hợp với truyền thống trọng nam của Trung Hoa. Nhưng Din Chun – shan cho rằng tỉ lệ tỉ phú đàn ông chết cao hơn tỉ phú nữ cho thấy một truyền thống khác, đó là phụ nữ Á Đông có khả năng chịu đựng vất vả và sức ép tốt hơn các đấng quân tử.
Hoạt động của các tỉ phú ở các nước chuyển đổi nền kinh tế thường “bị” đồng hành bởi hai vị “kinh tế bóng đen”, và tham nhũng. Đây cũng là hai ác thần (thường là tuy hai mà một) được xem là có “khuôn mặt” đàn ông, hơn là đàn bà (4).
Bóng ma kinh tế đen
Cho dù kinh tế Trung Quốc liên tục phá kỷ lục, kể cả về số lượng tỉ phú và quy mô tài sản của họ, “uy tín” của nền kinh tế này và các khuôn mặt tiêu biểu cho nó vẫn khá thấp (5).
Vấn đề này nan giải, ít nhất vì không có được những số liệu thống kê chính thức. Các số liệu được truyền thông quốc tế sử dụng thường là của các điều tra có tính tư nhân. Chẳng hạn, năm 2008, quy mô của “kinh tế đen” ở Trung Quốc là 1,4 nghìn tỉ USD (theo số liệu của Quỹ The China Reform Foundation, theo đặt hàng của Credit Suisse). Nhưng nó hiện diện thành nấc thu nhập của người giàu, cao hơn thu nhập trung bình của người Trung Quốc khoảng 26 lần. Đây hẳn là định lượng của cái gọi là cuộc “đấu tranh giai cấp” mới, đang ám ảnh tầng lớp trên ở Trung Quốc. Vừa qua một nhạc sĩ con một gia đình tầng lớp trên, từ nỗi sợ bệnh lý sự “trả thù giai cấp”, đã cố sát một người nghèo mà xe hơi của anh ta chạm phải, và phải trả giá.
Đại phú xuống âm phủ. Tranh David Teniers (con), 1674. |
Nghề phú thương ở Trung Quốc vẫn chưa đạt “cha truyền con nối”, đủ để có thể tạo ra gen “chịu đòn” dựa trên niềm tin vào sự chính đáng vào một gia sản được xây dựng minh bạch. Những nỗ lực để xây dựng doanh nhân, nhất là những người siêu giàu, thành hình ảnh đáng tôn trọng vẫn còn hẫng. Kính trọng doanh nhân thành đạt, vẫn có phần khiên cưỡng. Điều tra xã hội học năm 2010 cho thấy 91% dân cư (số dân được hỏi ý kiến) cho rằng các gia đình giàu ở Trung Quốc có quá khứ (thành đạt) về chính trị. Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng cao cán tử đệ (con cái các quan chức cao cấp) hiện đang phát tài với gia tốc mãnh liệt (6).
Các nghiên cứu cho rằng đặc thù dân tộc của nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc, ngân quỹ của “kinh tế đen”, (khác với Liên Xô cũ) không “chảy” ra khỏi đất nước, không đọng ở các ngân hàng Thụy Sĩ, không đổi dạng thành những villa như lâu đài quý tộc châu Âu, mà cứ “láng cháng” trong nước, tìm chìa khoá vào những chốn “màu mè”(7). Chính vì thế mà Đại lục cũng được xem như một thứ “thế giới vàng”, một cửa kiếm tiền cực nhanh, nhưng cũng không dễ tránh độc chiêu, quỷ kế, hoặc đơn thuần bị loại bỏ, bởi các đối thủ trong cạnh tranh quyết liệt và nguyên thuỷ.
Chú thích:
1. http://europe.chinadaily.com.cn/china/2011-07/22/content_12964154.htm
2. http://www.chinadaily.com.cn/business/2011-03/10/content_12150392.htm
3. http://russian.people.com.cn/95460/7449209.html
4. Tham nhũng có giới tính không? Tạp chí Echo Planet No 9, tháng ba 2009.
5. Bài “Tham nhũng ở Đại lục phá mọi kỷ lục”. http://www.chinamodern.ru/?p=322
6. http://www.chinamodern.ru/?p=322
7. http://www.businesspress.ru/newspaper/article_mId_21960_aId_20141.html
Lê Đỗ Huy (BEE)