Hai trường mẫu giáo “độc nhất vô nhị” ở Trung Quốc đã nảy ra một ý tưởng táo bạo nhằm thúc đẩy công việc kinh doanh của mình từ vài năm trước đó: Cho các bé uống thuốc để phòng ngừa bệnh, nhờ đó tăng số buổi các bé có mặt ở trường. Càng có nhiều buổi học ở trường đồng nghĩa với có thêm thu nhập cho nhà trẻ.
Ít nhất đó cũng là nhận định của phụ huynh trong thời gian gần đây, sau khi rất bàng hoàng trước thông tin các con của mình bị cho uống thuốc. Không có bậc phụ huynh nào được thông báo về chuyện này.
Họ bắt đầu nhận thức được vấn đề khi kế hoạch trên cho kết quả trái với mong đợi. Các bé trở về nhà với các biểu hiện táo bón, đổ mồ hôi, chảy mủ âm đạo, sưng bộ phận sinh dục, đau chân, hoa mắt chóng mặt.
Để phản đối, hàng trăm phụ huynh với tâm trạng phẫn nộ đã đứng chặn trước cổng hai nhà trẻ – nhà trẻ Fengyun và nhà trẻ Hongji New City – tại thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây vào hai ngày 11 và 12 tháng Ba.
Cả hai cơ sở trên đều thuộc về Tổ chức gây quỹ Tống Khánh Linh Thiểm Tây, một tổ chức phúc lợi, theo tờ Tin Tức Bắc Kinh, cơ quan truyền thông nhà nước
‘Em sẽ không bao giờ bị ốm’
Các trường mầm non bị tố giác là đã cho trẻ sử dụng một cách có hệ thống những liều Moroxydine Hydrochloride, một loại thuốc chống virut được sản xuất tại Trung Quốc, theo tờ Tin Tức Bắc Kinh. Có 1400 trẻ nhỏ ở hai trường, hầu hết trong độ tuổi từ 2 đến 6.
Việc cho uống thuốc diễn ra vài lần một tuần, các phụ huynh nói và đã kéo dài ít nhất ba năm.
“Thuốc sẽ khiến em thoải mái hơn đấy,” “đây là thuốc bổ,” và “em sẽ không bao giờ bị ốm sau khi uống thuốc này,” cô giáo nói.
Một lần bé gái nói với mẹ rằng con sẽ không bị cúm vì “chúng con đã được uống thuốc ngừa cúm”
10,000 viên
Sau khi đầu hàng trước cơn thịnh nộ của các bậc phụ huynh, hiệu trưởng của trường mẫu giáo Fengyun, Zhao Baoying, nói rằng ông cho các em uống thuốc để ngừa virut cúm để chắc chắn các em sẽ đi học đầy đủ, theo tờ Xinmin Weekly. Ông biện hộ rằng chỉ cho các em uống thuốc trong ba tháng.
Các nhà trẻ từ chối công bố đơn thuốc đầy đủ.
Vào ngày 12 tháng Ba, cảnh sát cho biết họ đang xem xét vấn đề này.
Ông Wang, đại diện cho các bậc phụ huynh, nói rằng họ đã tìm thấy 2 biên lai, một trong số đó cho thấy đã có một đơn đặt hàng 10,000 viên thuốc Moroxydine Hydrochloride trong tháng Ba năm nay. Nhưng không tìm thấy viên thuốc nào, dẫn đến nghi ngờ rằng trường đã tiêu thụ hết số thuốc đó.
Học phí
Các bậc phụ huynh phải trả khoảng 1,113 tệ (gần 4 triệu đồng) một tháng, có thể coi là mức học phí cao so với khu vực khi con được gửi đến những trường tư này. Ông Wan cho biết thu nhập hàng tháng của ông không quá 3,000 tệ (khoảng 10 triệu đồng) một tháng, theo Xinmin Weekly.
Nếu một trẻ vắng một ngày, thì tiền học phí cho ngày đó sẽ được gửi trả lại, nếu trẻ nghỉ học quá 10 ngày thì chỉ thu một nửa tiền học phí trong tháng đó.
Những viên thuốc Moroxydine Hydrochloride rẻ mạt: chỉ 1.5 tệ (khoảng 5 nghìn đồng) cho một lọ gồm 100 viên. Trẻ em chỉ cần uống một liều tương đương một phần mười viên thuốc. Bệnh viện Nhi địa phương ở Tây An đã ngừng sử dụng thuốc này vì tác dụng phụ của thuốc và cũng vì thuốc chưa được thử nghiệm trên lâm sàng, theo Xinming Weekly
Các phụ huynh nói rằng họ bị tổn thương bởi “sáng kiến” cho học sinh uống loại thuốc này của nhà trường nhằm mục đích kiếm tiền.
“Không cần biết các bé đang khỏe mạnh hay ốm, họ đều bắt các bé uống thuốc,” Ông Wang nói. “Khi các bé nghỉ ốm, nhà trẻ rất lo lắng và gọi điện hỏi các bé mắc bệnh gì và triệu chứng ra sao.”
Ông nói thêm vào lúc đầu “chúng tôi đã xúc động vì sự quan tâm của nhà trường đối với các cháu”
Sau khi vụ việc bại lộ, ông cho biết : “Bây giờ nghĩ lại về điều đó, tôi thấy thật bất bình thường”
Chống lưng chính trị
Cả hai nhà trẻ đều được nằm dưới sự quản lý của Tổ chức gây Quỹ Tống Khánh Linh trụ sở tại Thiểm Tây, một tổ chức phúc lợi tư nhân phi lợi nhuận với mục tiêu cải thiện kết quả giáo dục và sức khỏe cho thanh thiếu niên.
Quỹ được đặt theo tên người vợ thứ hai của Tôn Trung Sơn, một nhà cách mạng, có chi nhánh tỏa rộng khắp Trung Quốc. Người lãnh đạo tổ chức thường là quan chức cấp cao của Đảng đã nghỉ hưu.
Đây không phải lần đầu tiên tổ chức này dính líu đến các vụ bê bối. Chi nhánh tại tỉnh Hà Nam trước đó đã sử dụng tiền quyên góp từ cộng đồng cho mục đích kinh doanh, bao gồm đầu cơ tích trữ và cho vay nặng lãi, theo tờ Southern Metropolis Daily tháng 9 năm 2011.
“Ở Trung Quốc, phúc lợi chỉ là hình thức kinh doanh, và là hình thức kinh doanh sinh lãi cao nhất!” Zhou Xiaoyun, một phóng viên của tờ Southern Metropolis Daily viết trên blog của mình vào ngày 13 tháng Ba.
“Đây là hiện trạng phúc lợi đáng buồn ở Trung Quốc hiện nay. Quỹ Tống Khánh Linh Thiểm Tây đã vi phạm nghiêm trọng tôn chỉ của mình. Sự hỗn loạn này chỉ là bề nổi của tảng băng phúc lợi xã hội tại Trung Quốc”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.