Trong nhiều năm cộng đồng cấy ghép tạng quốc tế hoạt động dưới giả định rằng hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc sẽ dần chuyển dịch từ phụ thuộc nguồn cung nội tạng từ tù nhân sang phát triển một hệ thống hiến tạng tình nguyện.
Chủ đề này được mang ra mổ xẻ từ năm 2006, khi có những tiết lộ bí mật về khả năng tồn tại một hệ thống thu hoạch nội tạng sống rộng khắp lấy từ các học viên Pháp Luân Công, một môn khí công tinh thần bị đàn áp ở Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng chỉ các tù nhân chịu án tử hình, chờ ngày hành quyết, mới bị mổ lấy nội tạng. Và cũng chỉ sau khi các tù nhân đồng ý.
Từ thời điểm đó, các tổ chức như Cộng Đồng Cấy Ghép Tạng và Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tìm cách hợp tác với Trung Quốc, và nhìn chung khá cẩn thận để không phát biểu những ý kiến chứa các nội dung tiêu cực về hệ thống cấy ghép tạng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sự hợp tác và phát triển quốc tế được đặt lên hàng đầu
Nhưng các nỗ lực như vậy có vẻ không mang lại nhiều hiệu quả tích cực, dựa vào đánh giá các bình luận gần đây của Hoàng Khiết Phu, trùm cấy ghép tạng của Trung Quốc.
Ông Hoàng là thứ trưởng bộ y tế từ năm 2001 đến 2013, và từng là gương mặt đại diện cho chính sách cấy ghép tạng kể từ khi các tiết lộ về việc thu hoạch nội tạng được biết đến công khai. Ông rời khỏi Bộ Y Tế năm ngoái và sau đó đứng đầu Hội Đồng Hiến và Cấy Ghép Tạng Trung Quốc, vốn là tổ chức hàng đầu về cấy ghép tạng của chính phủ Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Trung Quốc gần đây, ông Hoàng bảo vệ chính sách thu thập nội tạng từ các tử tù.
Ông không chỉ bảo vệ chính sách này, mà còn ủng hộ việc mở rộng hệ thống thu thập nội tạng này.
“Các cơ quan cấy ghép tạng hợp pháp và các cơ sở y tế địa phương nên thiết lập các mối liên kết với nhau, từ đó cho phép các tử tù có thể tình nguyện hiến nội tạng và được nhập danh tính vào hệ thống máy tính phân bổ nội tạng,” ông Hoàng nói, sau đó lời bình luận của ông đã được Tờ Beijing Morning Post diễn giải và được đăng rộng rãi trên các trang mạng Trung Quốc.
Ông cũng nói thêm rằng các bệnh viện nên bị nghiêm cấm thu thập nội tạng nếu không được chính quyền cho phép. Và các gia đình nên nhận được các “hỗ trợ nhân đạo”( cũng được hiểu là khoản đền bù bằng tiền mặt.)
Đối với các nhà quan sát và các cây bút quan tâm đến chủ đề hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc, bình luận của ông Hoàng cho thấy một bước lùi lớn trong các cam kết trước đây về cải tổ hệ thống ghép tạng.
“Chúng ta đã trở lại điểm xuất phát năm 2006,” theo như Ethan Gutmann – một ký giả chuyên điều tra về hệ thống cấy ghép tạng Trung Quốc. Ông là tác giả cuốn sách về hệ thống ghép tạng Trung Quốc sẽ được xuất bản cuối năm nay: “Cuộc tàn sát: Giết người Hàng Loạt, Mổ Cướp Nội Tạng, và Giải Pháp Bí Mật của Trung Quốc cho Vấn Đề Bất Đồng Chính Kiến” (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem).
“Chúng ta không nhận được bất kỳ lời thừa nhận nào về việc thu thập nội tạng của các tù nhân lương tâm, và về cơ bản họ đang nói rằng họ cần sắp xếp các đơn xin hiến tạng theo trật tự. Tôi nhận thấy rằng chúng ta đã hoàn toàn không có bất kỳ tiến triển nào.”
Chính bản thân Hoàng Khiết Phu trong một thời gian dài đã làm ra vẻ giống như một nhà cải cách trong hệ thống ghép tạng Trung Quốc, khi ông này đấu tranh chống lại lợi ích của bộ máy quan liêu muốn duy trì khả năng thu thập nội tạng từ tù nhân (Mặc dù chưa bao giờ Trung Quốc, hoặc các đồng minh quốc tế của họ, từng trả lời câu hỏi liên quan đến việc thu thập nội tạng từ các tù nhân lương tâm, trong đó chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công).
Hình tượng một anh hùng cải cách đã được tôn thêm nhờ tấm bằng giáo sư danh dự của Đại Học Sydney được trao cho ông Hoàng vào năm 2008 và được cấp lại mới vào năm 2011. Tiền đề của giải thưởng trao cho ông Hoàng vì “Hoàng… đã có những cải cách đáng kể tới quy chế quản lý các quá trình cấy ghép nội tạng của Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc thu hoạch nội tạng từ tử tù.”
Nhưng các bình luận sau này của Hoàng, và các tiết lộ khoác lác trên mạng internet Trung Quốc của ông, dường như phá hỏng hình tượng này thậm chí chỉ ngay sau đó.
Trong một buổi phỏng vấn với một phóng viên từ hãng truyền thông Australian Broadcasting Corporation (ABC) của Úc, ông Hoàng thừa nhận đã thu hoạch nội tạng từ các tử tù.
Các cuộc phỏng vấn trên truyền thông Trung Quốc cũng tiết lộ rằng cho tới gần đây ông Hoàng đã thường xuyên tiến hành các cuộc cấy ghép như vậy.
“Đây là người cho tới gần đây đã thực hiện hai ca tách thận trong một tuần từ ‘bất kể người nào bị lôi lên bàn mổ’, theo như tôi được biết,” Gutmann bình luận, qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại.
Ngoài nghi vấn đặt ra về sự trung thực và tín nhiệm trong mục đích của ông Hoàng, những bình luận gần đây của ông ta ám chỉ một động thái kiên quyết muốn rút lại những cam kết của giới chức trách Trung Quốc với cộng đồng quốc tế về vai trò của nội tạng từ tù nhân trong hệ thống cấy ghép tạng của họ.
Giờ đây, thay vì loại bỏ quy trình này, họ đang cố gắng hợp nhất hệ thống thu hoạch tạng từ tù nhân với hệ thống hiến tạng tự nguyện thông thường.
“Sử dụng tù nhân sẽ bị tử hình để thu hoạch nội tạng là một việc làm vô đạo đức,” Tiến sỹ Arthur Caplan – giáo sư môn đạo đức y khoa thuộc Đại Học New York – trao đổi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Việc trộn lẫn cách thức này vào hệ thống phân bổ và thu hoạch nội tạng mới thành lập sẽ làm xuất hiện nguy cơ chôn vùi hệ thống trên khỏi các thẩm định cẩn thận và khiến khả năng truy ra việc sử dụng nội tạng từ tử tù thậm chí càng khó hơn. Tôi không thấy tin tức tốt lành gì từ thông báo này. Có rất nhiều chuyện mà tôi nghĩ là rất tồi tệ đấy.”
Đồng thời điều này vi phạm trực tiếp yêu cầu của Tổ Chức Y Khoa Thế Giới là “nội tạng của tù nhân và các cá nhân độc lập bị giam giữ khác không được phép dùng cho việc cấy ghép, ngoại trừ cho thành viên gia đình trực tiếp của họ.”
Các bình luận gần đây của ông Hoàng cũng trực tiếp đi ngược lại các cam kết mà Trung Quốc đã ký vào tháng Mười năm ngoái trong một hội nghị ở Hàng Châu, Trung Quốc, vốn tưởng chừng như dự báo một kỷ nguyên mới cho ngành cấy ghép tạng ở Trung Quốc. “Kỷ nguyên mới” này được đánh dấu bởi “việc ngừng thu hoạch nội tạng từ các tử tù,” và một sự đảm bảo rằng “nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép sẽ tuân thủ các chuẩn mực y đức quốc tế.”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.