Bằng chứng về một âm mưu của các phần tử Hồi giáo cực đoan Malaysia nhằm cướp máy bay chở khách trong một vụ tấn công kiểu 11/9 đang được điều tra liên quan tới vụ mất tích của chuyến bay MH370, tờ Telegraph của Anh đưa tin.
Phần tử khủng bố Saajid Badat.
Một kẻ chỉ điểm của mạng lưới khủng bố al-Qaeda hồi tuần trước đã cho biết tại một phiên tòa rằng 4-5 nam giới Malaysia đã lên kế hoạch khống chế một máy bay, sử dụng bom giấu trong giày để mở cánh cửa buồng lái.
Các nhân viên an ninh cho biết bằng chứng từ một kẻ tấn công khủng bố người Anh là “đáng tin”. Kẻ chỉ điểm này cho biết đã gặp các phần tử thánh chiến Malaysia – một trong số đó là phi công – tại Afghanistan và đưa cho họ một quả bom giấu trong giày để sử dụng nhằm khống chế một máy bay.
Một nhân viên an ninh Anh cho biết: “Những phương án này cần nhiều thời gian để lên kế hoạch”.
Khả năng về một âm mưu như vậy càng được củng cố khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 15/3 thừa nhận rằng các hệ thống liên lạc của chuyến bay MH370 đã bị cố tình tắt đi “bởi một ai đó trên máy bay”.
Trong lời khai trước tòa hôm 11/3, Saajid Badat, một người Hồi giáo sinh tại Anh từ Gloucester, cho biết y đã được huấn luyện tại một trại huấn luyện khủng bố ở Afghanistan để đưa bom giày cho người Malaysia.
Cung cấp bằng chứng trong phiên tòa tại New York xét xử Sulaiman Abu Ghaith, con rể trùm khủng bố Osama bin Laden, Badat nói: “Tôi đã đưa một trong những chiếc giày của mình cho người Malaysia. Tôi nghĩ nó được dùng để tiếp cận buồng lái”.
Badat cho biết, âm mưu của người Malaysia do Khalid Sheikh Mohammed, kỹ sư chính của vụ khủng bố 11/9, đạo diễn.
Theo Badat, Mohammed có danh sách các tòa nhà cao nhất thế giới và đã loại bỏ Tháp Đôi ở New York sau các vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 là “một câu chuyện khiến chúng tôi bật cười”.
Badat nói với tòa rằng y tin những người Malaysia, trong đó có phi công, “đã sẵn sàng hành động”.
Trong cuộc gặp với người Malaysia tại Afghanistan, một khả năng đã được nêu ra là cửa buồng lái có thể bị khóa. “Vì vậy tôi nói: “Tôi đưa cho ông một trong những quả bom để mở cửa buồng lái nhé?”, Badat nói.
Badat, từng bị kết án 13 năm tù hồi năm 2005 vì tham gia một âm mưu với kẻ đánh bom giày Richard Reid nhằm cho nổ tung một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, đã đưa ra các thông tin tương tự vào năm 2012, rất lâu trước vụ mất tích bí ẩn của MH370.
Tiết lộ rằng các phần tử cực đoan Malaysia đang lên kế hoạch một vụ tấn công 11/9 đã gây ra viễn cảnh rằng cả 2 phi công của MH370 có thể đã bị khống chế và máy bay được sử dụng như một quả bom chứa đầy nhiên liệu. Một mục tiêu tiềm tàng, nếu viễn cảnh này xảy ra, sẽ là Tháp đôi Petronas tại Kuala Lumpur, một biểu tượng của Malaysia hiện đại và là tòa nhà cao nhất thế giới từ 1998-2004.
Chuyến bay MH370 chở 239 người đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh qua Biển Đông vào sáng sớm ngày 8/3 thì mất tích khỏi màn hình radar. Các vệ tinh đã phát hiện thấy nó quay trở lại đất liền.
Giới chức Malaysia “bưng bít” thông tin?
Chiến dịch tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia vẫn chưa có kết quả. Trước đó, trong một phiên tòa xét xử Adis Medunjanin, một người Mỹ bị kết án vì âm mưu cho nổ tung các tàu điện ngầm ở New York, Badat cũng đã nói với các công tố viên về một âm mưu đánh bom giày của các phần cử cực đoan Malaysia.
Khi được hỏi liệu có biết nhóm người Malaysia không, Badat đáp: “Tôi biết rằng họ có một nhóm sẵn sàng tiến hành một vụ tấn công kiểu 11/9”.
Khi được hỏi liệu có giúp đỡ họ hay không, Badat trả lời: “Tôi đã trợ giúp họ bằng một trong những chiếc giày, vì cả hai chiếc điều có chất nổ giấu bên trong”.
Giáo sư Anthony Glees, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh thuộc Đại học Buckingham (Anh), cho hay viễn cảnh về một âm mưu của Hồi giáo cực đoan đã lý giải tại sao giới chức Malaysia “đã không nói với chúng ta toàn bộ sự thật”.
“Tôi tin rằng đây là một vụ không tặc ngay khi được cho biết rằng máy bay đã chuyển hướng”, giáo sư Glees nói.
“Bằng chứng máy bay đã quay trở lại Malaysia có nghĩa rằng đây có thể dễ dàng là một âm mưu của các phần tử cực đoan Malaysia nhằm biến máy bay thành một quả bom kiểu 11/9 để đâm nó vào một tòa nhà ở Kuala Lumpur”.
“Giờ đây chúng ta biết có bằng chứng về một nhóm khủng bố của Malaysia có ý đồ tiến hành một vụ tấn công như vậy, vì thế điều này khiến giả thuyết đó càng trở nên đáng tin”, ông Glees nhận định.
James Healy-Pratt, phụ trách mảng hàng không tại Công ty luật Stuarts Law, cho rằng việc thiếu thông tin từ giới chức Malaysia là trái ngược hoàn toàn với phản ứng của giới chức Pháp khi một máy bay của hãng hàng không Air France đâm xuống Đại Tây Dương vào năm 2009 và hộp đen của máy bay chỉ được tìm thấy 2 năm sau đó. Việc bưng bít thông tin cho thấy giới chức Malaysia có thể giấu giếm điều gì đó.
“So với vụ của Air France, có rất tít thông tin từ giới chức Malaysia. Những câu hỏi nghiêm túc được đặt ra là vì sao đã một tuần rồi mà có rất ít thông tin như vậy”, ông Healy-Pratt nói.
Hồi tháng 5/2013, hai nam giới Malaysia đã bị bắt vì có liên hệ với al-Qaeda và bị cáo buộc tham gia nhóm Tanzim al-Qaeda Malaysia. Trong một vụ việc khác, 2 nam giới khác từ Malaysia đã bị bắt tại Li-băng khi cố gắng vào Syria để gia nhập các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Assad.
An Bình Tổng hợp
Nguồn: Dân Trí