Tinh Hoa

3 nguyên tắc “vàng” giành điểm môn tiếng Anh

“Đối phó với những câu hỏi ‘lắt léo”, thí sinh nên đọc kỹ đề bài… không hoang mang khi thấy nhiều đáp án giống nhau”.

 

Đó là những gợi ý của cô Vũ Thị Mai Phương – giáo viên Trung tâm Ngoại ngữ 24H cho những thí sinh thi đại học khối D.

Làm quen sớm với các dạng đề thi

Việc Bộ GD&ĐT quyết định để môn tiếng Anh có thêm phần thi tự luận khiến nhiều học sinh lo lắng. Vì trong quá trình làm bài, nếu các em viết thiếu hay sai một một chữ có thể dẫn đến sai cả câu. Tuy nhiên, phần tự luận cũng chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng số điểm. Còn lại vẫn là trắc nghiệm.

Các dạng bài thường gặp nhất của phần tự luận là cấu tạo từ, viết lại câu hoặc hoàn thành câu. Các dạng trắc nghiệm thí sinh có thể gặp là ngữ âm, trọng âm, đọc hiểu, điền từ, phát hiện lỗi sai. Với đặc điểm như vậy, ngoài việc ôn các chủ điểm ngữ pháp, từ vựng trong chương trình SGK và sách bổ trợ, việc làm quen sớm với các dạng đề thi là điều cần thiết. Thí sinh có thể truy cập trang web của Bộ GD&ĐT tham khảo cấu trúc đề thi đại học các năm trước để ôn tập đúng dạng bài.

Học tiếng Anh trên mạng cũng là một phương pháp ôn tập rất tốt. Nhiều thí sinh đạt kết quả cao trong các kì thi nhờ tự học và học online. “Ngoài việc học ôn trên lớp, thí sinh cũng nên dành thời gian học các khóa tiếng Anh trực tuyến. Việc làm quen với nhiều phương pháp học mới sẽ tạo tâm lý tự tin khi thí sinh bước vào phòng thi”, cô Phương nhấn mạnh.

Cô Mai Phương – giảng viên của nhiều website tiếng Anh trực tuyến tại Việt Nam

Từ vựng trong tiếng Anh rất cần thiết, đặc biệt là trong kỳ thi sắp tới. Do đó, thí sinh nên học theo cách dùng mẩu giấy nhỏ dán lên bàn, phòng ngủ hoặc bất cứ nơi đâu mà các em có thể nhìn thấy. Đặc biệt, nếu thí sinh dùng từ vựng trong lúc giao tiếp sẽ giúp rèn được hai kỹ năng nhớ từ và phản xạ. Việc làm nhiều bài tập và có thói quen dịch sau khi làm bài sẽ giúp các thí sinh nhanh chóng cải thiện vốn từ.

Ba nguyên tắc “vàng” đạt điểm cao

Trước khi bước vào kỳ thi, các thí sinh cần chuẩn bị kỹ kiến thức và nắm chắc cấu trúc đề thi qua các năm. Cấu trúc bài thi đưa ra thường có những câu hỏi “đánh lừa” thí sinh, nên nhiều bạn rất dễ nhầm lẫn ở phần này.

Vì vậy, khi làm bài thi, thí sinh cần áp dụng theo 3 bước sau:

Bước 1: Sau khi nhận đề, thí sinh nên làm các bài dễ, câu ngắn, câu “trúng tủ” trước. “Các em nên làm câu nào chắc câu đó. Nếu sức học yếu thì tuyệt đối không được làm nhanh, tránh xảy ra sai sót”, cô Phương nhấn mạnh.

Khi làm bài, có nhiều câu “cài bẫy” nên thí sinh phải đọc kĩ các đáp án và tìm câu trả lời đúng. Cần cố gắng ăn điểm ở các câu đã ôn tập kỹ. Ở các câu thí sinh chưa chuẩn bị kỹ và đang phân vân thì cố gắng loại trừ đáp án, kể cả khi xác định sẽ khoanh theo cảm tính.

Bước 2: Đối với các câu dài và bài đọc hiểu, thí sinh cần đọc câu hỏi trước, gạch chân từ khoá (key words) để khoanh vùng được thông tin cần tìm kiếm. Sau đó đọc lướt bài đọc để xác định khu vực thông tin đang tìm và đọc kĩ để lấy câu trả lời tốt nhất. 

Bước 3: Sau khi làm xong bài mà vẫn còn thời gian, thí sinh nên soát lỗi, đặc biệt là phần tự luận. Phần này thí sinh rất dễ mất điểm, chỉ cần sai một chữ, thiếu một chữ “s” ở danh từ số nhiều thì cũng vẫn sai cả câu.

Theo Khampha