Tinh Hoa

Máy bay Malaysia mất tích gây tranh luận về an toàn hàng không Châu Á

Vẫn chưa rõ tại sao máy bay chở khách của Malaysia bị mất tích trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Trung Quốc hồi sớm thứ bảy. Nhưng trong khi giới hữu trách điều tra về những sơ sót an ninh, các chuyên gia phân tích nói những sơ sót này có thể là tác nhân để tăng cường an toàn hàng không trong khu vực. Thông tín viên VOA Bill Ide tại Bắc Kinh ghi nhận chi tiết.

Nhân viên an ninh sân bay kiểm tra hộ chiếu và thẻ lên máy bay của một hành khách tại phi trường Taipei Songshan, ngày 10/3/2014.

Thông tin ít ỏi sau vụ mất tích của chuyến bay số MH370 của hãng hàng không Malaysia đã gây bất mãn ngày càng nhiều cho các gia đình nạn nhân tuyệt vọng và các giới chức còn đang đi tìm chiếc máy bay.

Tại Malaysia hôm thứ hai, Bộ trưởng Giao thông Hishmmuddin Bin Tun Hussein kêu gọi dân chúng tự chế đừng lan truyền những lời đồn đại cho đến khi nhà chức trách có thể kiểm chứng những gì đã xảy ra.

Ông Hussein nói: “Tôi muốn thỉnh cầu, đưa ra lời thỉnh cầu, nhất là với giới truyền thông và công chúng nói chung, chớ nên lan truyền hoặc phổ biến tin tức sai lạc hoặc chưa được kiểm chứng vì 2 lý do. Thứ nhất bởi vì nó ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm và cứu hộ bởi vì tin tức sai lạc hoặc chưa kiểm chứng sẽ làm chúng ta xao lãng nhiệm vụ. Và thứ hai, để đem lại công bằng cho các gia đình đang hy vọng mặc dù sắp tuyệt vọng.”

Trong khi các nỗ lực tìm kiếm đang tăng cường, giới hữu trách tiếp tục điều tra lai lịch của 2 hành khách trên chiếc máy bay đã du hành bằng hộ chiếu đánh cắp. Các giới chức Malaysia cũng nói có 5 người nữa đã đăng ký, nhưng lại không đáp chuyến bay.

Nhà chức trách nói tất cả hành lý của 5 hành khách đó đã được lấy ra khỏi máy bay khi cất cánh. Các hành khách khả nghi đã khơi ra tin đồn về những vấn đề an ninh rộng lớn hơn cho công nghiệp du hành bằng đường không của khu vực.

Ông Rohan Gunaratna, một chuyên gia về khủng bố làm việc ở Singapore nói trong khi còn quá sớm để xác định nguyên do chung quyết khiến chiếc máy bay lâm nạn, sự kiện các hành khách đáp chuyến bay bằng hộ chiếu đánh cắp là một sơ suất về an ninh.

Sau các vụ tấn công khủng bố năm 2001 ở Hoa Kỳ, Interpol đã thiết lập một cơ sở dữ liệu để thông báo cho các chính phủ trên khắp thế giới khi một sổ hộ chiếu bị mất hay đánh cắp. Ông Gunaratna nói đây là một công cụ rất quan trọng để các chính phủ sử dụng.

Ông nói: “Nếu họ không sử dụng cơ sở dữ liệu này, và nếu các chính phủ không đưa dữ liệu vào đó thì có nghĩa là họ không thực hiện công tác tốt nhất để phục vụ sự an toàn cho những người đi du hành.”

Interpol đã xác nhận hai trong các hộ chiến sử dụng đã bị đánh cắp và cho biết cơ quan này đang cứu xét các sổ hộ chiếu khả nghi khác đã được sử dụng trên chuyến bay.

Các mối đe dọa khủng bố ở châu Á đã được coi là thấp so với những đe dọa ở châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng ông Gunaratna nói sự mất tích của chuyến bay từ Malaysia đến Trung Quốc có thể thay đổi vị thế an ninh của các hãng hàng không trong khu vực.

Ông nói: “Tôi tin vụ rớt máy bay của hãng hàng không này sẽ là một tác nhân, một cột thu lôi cho các chính phủ khác coi mối đe doạ về những sự cố như thế là nghiêm trọng.”

Vẫn chưa rõ những sơ sót an ninh nào đã khiến cho các hành khách đáp máy bay sử dụng các sổ hộ chiếu đã được báo cáo là bị đánh cắp.

Trong khi một số người mau chóng đồn đoán rằng việc đánh cắp hộ chiếu có thể cho thấy có thể có vấn đề khủng bố, những người khác nêu ra rằng có nhiều phần chắc các hành khách là những di dân bất hợp pháp hay các cá nhân có dính líu đến các hoạt động phạm pháp, và có thể không liên quan gì đến sự mất tích của chuyến bay.

Theo VOA