Liệu rằng, sau 50.000 năm nữa, Trái đất chúng ta sẽ “lớn” lên hay quay lại điểm xuất phát ban đầu?
Dự đoán tương lai của Trái đất cũng giống như dự báo thời tiết: khoảng thời gian dự đoán càng dài thì độ lệch chuẩn càng cao. Dựa theo logic này, việc đi tìm hình dạng Trái đất của 50.000 năm sau là chuyện bất khả thi.
Tuy nhiên, khi xem xét lịch sử địa chất của Trái đất, chúng ta có thể dựa vào những quá trình bất di bất dịch như quá trình tiến hóa, quá trình tuyệt chủng, quá trình kiến tạo và quá trình thay đổi khí hậu để dựng nên viễn cảnh về địa cầu trong tương lai. Cùng tìm hiểu viễn cảnh Trái đất 50.000 năm sau qua bài viết dưới đây.
Những thay đổi của Trái đất
Trái đất tự quay quanh trục và chuyển động quanh Mặt trời theo một quỹ đạo có hình elip. Những chuyển động này có ý nghĩa nhất định đối với các sinh vật tồn tại trên bề mặt Trái đất.
Cụ thể hơn, Trái đất không chỉ quay quanh trục mà còn “lắc lư” ở hai cực giống như đầu con quay. Các nhà thiên văn học gọi hiện tượng này là tuế sai, hay còn gọi là tiến động.
Tuế sai xảy ra khi trục của một vật thể quay “lắc lư” khi mô-men lực tác động lên nó. Hiện tượng này thay đổi trục của Trái đất theo chu kì 26.000 năm một lần. Hiện tại, Bắc Cực hướng về Polaris – sao Bắc Cực.
Trong vòng 13.000 năm nữa, sao Vega (sao Bạch Minh) sẽ thay thế cho vị trí của sao Bắc Cực và 50.000 năm sau, Trái đất sẽ hoàn thành hai chu kì tuế sai, điều đó có nghĩa là chúng ta lại trở về vị trí ban đầu.
Hơn thế nữa, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng độ lệch quỹ đạo và trạng thái nghiêng của Trái đất. Sau chu kì 97.000 năm, quỹ đạo Trái đất đã thay đổi từ dạng tròn sang dạng elip.
Trong khi đó, độ lệch của trục Trái đất cũng xê dịch từ 22,1 độ thành 24,5 độ. Những thay đổi này đã tạo ra ảnh hưởng rõ rệt tới “lượng” năng lượng Mặt trời chiếu xuống địa cầu.
Trong quá khứ, Trái đất đã từng trải qua Kỷ băng hà kéo dài 100.000 năm với lớp băng dày che phủ khắp lục địa.
Giữa giai đoạn này xuất hiện thời kỳ Gian băng. Gian băng là giai đoạn ấm hơn so với các giai đoạn băng giá thuộc Kỷ Băng hà. Mặc dù mặt đất vẫn giữ một lớp băng dày song không quá khắc nghiệt so với các thời kỳ khác. Đây là giai đoạn khí hậu ôn hòa kéo dài hàng triệu năm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán, Trái đất hiện đang ở giữa thời kỳ Gian băng và sẽ phải đối mặt với Kỷ Băng hà trong tương lai xa.
Gian băng là giai đoạn ấm hơn so với các giai đoạn băng giá thuộc Kỷ Băng hà.
Nhiều nhà khoa học cho biết, Kỷ băng hà tiếp theo sẽ “hoành hành” trên Trái đất trong vòng 80.000 năm tới. Vì vậy, Trái đất được dự đoán sẽ trở thành nơi vô cùng lạnh lẽo với băng tuyết phủ lên tất cả các khu vực sau 50.000 năm.
Tương lai Trái đất: từ ấm áp tới băng giá, rồi núi lửa sẽ phun trào?
Nhiều người đặt ra câu hỏi là, vậy hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến viễn cảnh tương lai đầy băng giá của Trái đất?
Về lâu dài, hiện tượng này không có ảnh hưởng lớn nhưng trong ngắn hạn, con người có thể nhận thấy rõ ràng những hệ quả trầm trọng của việc Trái đất nóng lên: lượng carbon dioxide trong không khí đạt mức cao nhất trong vòng 650.000 năm. Carbon dioxide khiến năng lượng Mặt trời không thể bức xạ trở lại không gian, làm cho Trái đất càng trở nên nóng hơn.
Nhiệt độ trung bình thậm chí còn tăng lên vài độ, khiến cho băng hà tan chảy, mực nước biển dâng cao và làm ngập các vùng ven biển. Các đại dương cũng nóng lên và nồng độ axit trong nước biển tăng cao.
Điều này dẫn đến cái chết hàng loạt của các rạn san hô ngầm, những loài sống dưới đại dương cũng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Trên mặt đất, 1/4 các loài động thực vật sẽ biến mất.
Một tiểu hành tinh hoặc sao chổi sẽ đâm vào Trái đất, hay một trận hồng thủy sẽ cuốn phăng đi sự sống của địa cầu trong tương lai?
Trong vòng 50.000 năm nữa, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thảm họa khiến cho vận mệnh của Trái đất thay đổi. Thảm họa đó có thể là một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đâm vào Trái đất, hay một trận hồng thủy sẽ cuốn phăng đi sự sống của địa cầu.
Bên cạnh đó, các nhà địa chất cho rằng, quá trình phun trào núi lửa xảy ra 50.000 năm một lần, núi lửa phun tro và khói vào khí quyển, khiến ánh sáng Mặt trời không thể chiếu xuống mặt đất trong vòng từ 10 -15 năm.
Điều này gần giống với sự kiện xảy ra 251 triệu năm trước. Sức hủy diệt của núi lửa đã từng khiến cho loài khủng long tuyệt chủng, 95% sinh vật biển và 70% động vật xương sống trên mặt đất biến mất vào cuối Kỷ phấn trắng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, loài người đã và đang tiếp tục quá trình tiến hóa. Theo một số nhà khoa học, trong vòng 10.000 năm qua, loài người đã tiến hóa nhanh gấp 100 lần. Vì vậy hãy trông đợi rằng, con người sẽ có những điều chỉnh cần thiết để thích ứng với sự thay đổi của điều kiện sống trên Trái đất trong tương lai.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: How Stuff Works, Discovery Magazine, Universe Today, WWF…
Theo Kenh14