Để hoạch định cuộc đời thì người ta phải biết mơ ước. Làm sao các em có ước mơ khi luôn thấy cuộc sống thật chán và vô vị?
Tôi: Em dự định làm gì trong tương lai ?
Em: (chau mày)…..em không biết nữa…
Tôi: Thế ước mơ của em là gì ?
Em: (cười)…..em không có ước mơ…
Ở tuổi của em (và rất nhiều bạn trẻ lứa tuổi em), em nói thế là em nói thật. Vì ở tuổi của em, tôi cũng trả lời như vậy nếu ai đó hỏi tương tự.
Chỉ có một điều khác. Em luôn thấy cuộc sống thật chán và vô vị. Tôi ở tuổi của em, dù không có ước mơ hay chưa biết làm gì trong tương lai nhưng tôi luôn thấy cuộc sống thật đẹp và muốn làm rất nhiều việc.
Tôi hỏi tiếp: Em có đọc sách không ?
Em: (nhăn nhó)….em không thích đọc sách.
Đó là điều khác giữa em và tôi ở tuổi của em. Tôi không nhớ mình thích đọc sách từ khi nào. Chỉ nhớ bắt đầu với Sử ký Tư Mã Thiên, Tam Quốc Diễn Nghĩa, cho đến lúc tôi đọc ngấu nghiến bất cứ thứ gì có chữ rơi vào tầm tay thì tôi bắt đầu có ước mơ. Tôi đọc từ truyện cổ tích, truyện trinh thám, truyện lịch sử Việt Nam đến truyện chưởng của Kim Dung, Cổ Long. Mỗi cuốn sách là một thế giới để tôi đắm mình và mơ ước.
Những ước mơ khiến tôi thấy cuộc sống thật đẹp và nhiều điều kỳ thú. Chẳng ai bắt tôi đọc sách. Chỉ khi tự mình thấy cuốn hút và khao khát khám phá những thế giới trong sách thì mình mới có thể đọc sách. Thậm chí bị cấm đọc sách vẫn dấm dúi đọc dù phải trùm chăn bật đèn pin. Vì thế, tôi không khuyên hay ép em đọc sách. Nhưng điều tôi muốn nói không phải là chuyện đọc sách.
Người ta đăng đàn diễn thuyết về hoạch định cuộc đời cho sinh viên và giới trẻ nhưng người ta không nói cho các em biết một sự thật rằng đến khi đủ già gấp đôi tuổi các em thì người ta mới biết thế nào là hoạch định cuộc đời và lập kế hoạch xây dựng ước mơ và hoài bão cho chính mình. Vì thế, người ta chỉ biết nói về ước mơ và hoài bão trên lập trường của người từng trải chứ không đặt mình vào lứa tuổi của các em để dẫn dắt. Kết quả là nghe xong vẫn ngơ ngác.
Nói về ước mơ thực sự thì thì nói cả ngày không hết. Người có ước mơ sẽ khiến người đối diện cảm nhận từ ánh mắt có lửa, lời nói như muốn chen nhau tuôn ra, đến những ý nghĩa sâu sắc trong hoạch định và sự quyết đoán trong hành động.
Nói đến những dự định trong tương lai thì người có tâm huyết sẽ giải thích chi tiết từng bước của thời điểm hiện tại đến 5-10 năm tiếp theo cho đến khi đạt được kế hoạch như thể kể lại một câu chuyện trinh thám hấp dẫn hay một bộ phim hình sự hồi hộp. Người ta chỉ có thể ước mơ và hoạch định như vậy khi người ta đã từng trải.
Để hoạch định cuộc đời thì người ta phải biết mơ ước. Làm sao các em có ước mơ khi luôn thấy cuộc sống thật chán và vô vị ? Ở tuổi các em, tôi đã làm hai việc để luôn thấy cuộc sống thật đẹp và tuổi trẻ thật dữ dội: đọc sách và thử thách bản thân. Đọc sách thì đã nói ở trên. Còn thử thách bản thân thì tôi đã chọn một việc rất thiết thực là học ngoại ngữ.
Nếu các em chưa thích đọc sách thì hãy thử thách bản thân bằng việc chinh phục một ngôn ngữ khác. Đã học là phải đặt mục tiêu học giỏi nhất thì thử thách mới hấp dẫn. Tuổi trẻ của các em mà biết chinh phục 2-3 ngoại ngữ thì cuộc sống chẳng bao giờ biết chán. Một ngoại ngữ không chỉ là ngôn ngữ mà là cả một văn hoá.
Ngoại ngữ dẫn tôi đến với nghề khách sạn. Tôi đã có 9 năm gắn bó với nghề khách sạn. Cứ ngỡ ước mơ đời mình là nghề khách sạn. Nhưng không phải. Ngoại ngữ lại dắt tôi vào nghề ngân hàng. Tôi không nói cứ ngỡ ước mơ đời mình là nghề ngân hàng vì….đời còn dài. Chí ít, lúc này đây, tôi đã có một ước mơ và biết hoạch định cuộc đời mình một cách rõ ràng cho ước mơ đó.
Để khi nói về ước mơ của mình, người đối diện như muốn nhảy lên vì lửa trong mắt tôi, chóng mặt vì lời lẽ hối hả từ miệng tôi và tin tưởng vào kết quả tương lai khi nhìn thấy những việc tôi làm hôm nay. Em có ước mơ không ?
“Phần lớn mọi người đã chết ở tuổi 25, chỉ có điều đến 75 tuổi mới chôn mà thôi” – Benjamin Franklin.
Theo Vtc