Tinh Hoa

Vớt được vật thể phía Malaysia báo giống xuồng phao cứu sinh

Lúc 15 giờ 20 chiều 10-3, tàu hải quân HQ 637 đã vớt được vật thể hình giống xuồng phao cứu sinh mà Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo cho lực lượng tìm kiếm nước ta. Tuy nhiên đó chỉ là một nắp cuộn cáp đã đóng rêu.

Vật thể hình vuông, màu cam, nghi là phao được phát hiện lúc 10 giờ 20 ngày 10-3 – Ảnh do lực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ DHC6 chụp

Vào 15 giờ 20 chiều nay 10-3, Trực ban Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu hải quân HQ 637 báo về cho biết đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam.

Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy.

Trước đó, lúc 13 giờ 16 phút, Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn của Malaysia thông báo máy bay tìm kiếm C-130 của Singapore đã phát hiện một vật thể giống xuồng phao cứu sinh tại tọa độ 08o16’05’’ N – 102o51’11’’ E trong vùng tìm kiếm của phía Việt Nam, cách đảo Thổ Chu khoảng 140 km về phía Tây Tây Nam.

Vật thể có hình dạng giống xuồng phao cứu sinh máy bay này có màu  xám, dọc đỏ và xanh nước biển.

Phía Malaysia đề nghị Việt Nam cử phương tiện gần nhất cơ động tới vị trí phát hiện vật thể giống xuồng phao cứu sinh.

Được biết, trên các máy bay Boeing 777-200 có 8 cửa thoát hiểm. Những cửa thoát hiểm này trong tình huống hạ cánh khẩn cấp xuống biển, mặt nước sẽ bung ra thành xuồng phao cứu sinh. Các xuồng phao cứu sinh trên Boeing 777-200 thường có 2 màu xám và da cam.

Tuy nhiên, các xuồng phao cứu sinh này không tự nhiên bung ra thành xuồng phao cứu sinh mà chúng chỉ bung ra trong trường hợp có sự can thiệp của con người trong tình huống áp dụng tình huống khẩn nguy trên máy bay.

Cửa thoát hiểm khi bung ra dưới sự can thiệp trong tình huống khẩn nguy sẽ biến thành cầu trượt cũng như xuồng phao cứu sinh – Ảnh minh họa

Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không đã báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và đề nghị cử tàu gần vị trí trên nhất cơ động tới nơi phát hiện vật thể. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đồng ý cử 2 tàu cảnh sát biển CSB 2003 và tàu SAR 1 của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải tiếp cận. Dự kiến, sau khoảng 2 giờ nữa thì các tàu gần nhất sẽ tiếp cận được vị trí phát hiện vật thể nghi là xuồng phao cứu sinh.

Trước đó, lúc 10 giờ 20, ực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ DHC6 của Quân chủng Hải quân Việt Nam cũng đã phát hiện tại tọa độ 07o47’30’’ N – 102o57’12’’ E, cách phía Tây Tây Nam đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) 96 hải lý (khoảng 178 km) một vật thể hình vuông, màu da cam, nghi là phao.

Hiện lực lượng tìm kiếm chưa vớt được vật thể hình vuông trên. Các tàu tìm kiếm Việt Nam đang khẩn trương di chuyển tiếp cận vị trí phát hiện vật thể nghi là phao trên với tốc độ nhanh nhất.

11 giờ 30: Thủy phi cơ DHC6 mang số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân đã trở về tới sân bay Phú Quốc sau 5 giờ tìm kiếm liên tục trên biển. Chuẩn đô đốc Nguyễn Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm trên chiếc thủy phi cơ này.

Thông tin ban đầu cho biết đội tìm kiếm liên tục song vẫn chưa phát hiện được dấu tích gì liên quan đến máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Phạm Quý Tiêu vừa dẫn đầu đoàn công tác tới Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chỉ đạo thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Đài kiểm soát không lưu của sân bay quốc tế của huyện đảo này.

Trước mắt, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu khẩn cấp đáp ứng tất cả số lượng tàu thuyền, máy bay và phương án phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Nhiên liệu tại sân bay Phú Quốc được chỉ đạo phải sẵn sàng đáp ứng cho tất cả máy bay của Việt Nam và nước ngoài (nếu có). An ninh sân bay cũng được tăng lên mức báo động một, mức báo động cao nhất.

Ở thời điểm này, các cơ quan hữu trách cũng tính toán cả phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, trong đó có phương án tiếp nhận, bảo quản thi thể nạn nhân. Trong đó, y tế được chú trọng với một tổ công tác đặc biệt được thành lập.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng yêu cầu chính quyền huyện Phú Quốc chuẩn bị hậu cần phục vụ thân nhân gia đình những người bị nạn, báo chí và những người liên quan. Các nhân viên, cán bộ biết tiếng Anh cũng được huy động sẵn sàng. 

Thủy phi cơ DHC6 cùng đội thợ lặn tinh nhuệ đã trở về sân bay Phú Quốc – Ảnh: Quý Lâm

 Trước đó, 6 giờ 30, thủy phi cơ DHC6 mang số hiệu VNT-777 của Quân chủng Hải quân tiếp tục chuyến tìm kiếm cứu nạn lần thứ 2 tại vùng biển phía ngoài đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) với đội thợ lặn tinh nhuệ.

Chỉ huy lực lượng trên máy bay đặc biệt này là Chuẩn đô đốc Nguyễn Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

8 giờ 30: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã đến Trung tâm chỉ huy tại Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để nghe báo và trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm máy bay của Malaysia nghi mất tích trên vùng biển Việt Nam.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu các lực lượng khi phát hiện vật thể lạ phải báo cáo về ngay sở chỉ huy và khi chưa được kiểm chứng, xác minh rõ ràng không được khẳng định đó cái gì, tránh hoang mang cho dư luận. 

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (thứ hai từ trái qua) chỉ đạo việc tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích – Ảnh: Văn Duẩn

 Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã yêu cầu trong ngày hôm nay (10-3), các lực lượng tìm kiếm, gồm không quân, hải quân, cảnh sát biển… phải cố gắng tiếp cận và lấy bằng được vật thể lạ, nghi là ô cửa thoát hiểm của máy bay được phát hiện và chụp ảnh chiều ngày 9-3.

Ông Đỗ Bá Tỵ cũng đã chỉ định tàu SAR 413 là tàu chỉ huy, chốt tại khu vực phát hiện vật thể lạ, đồng thời giao cho Quân chủng Hải quân có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho tàu SAR 413 hoạt động.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ thống nhất với đề nghị của Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, về việc đề xuất cho phép máy bay Việt Nam hoạt động tìm kiếm ở độ cao dưới 1.500m; các máy bay nước ngoài tiến hành bay và tìm kiếm ở độ cao trên 1.500m. 

Tiếp xăng cho thủy phi cơ DHC6 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm – Ảnh: Quý Lâm

 

Chuẩn đô đốc Nguyễn Minh Thành (người cầm sổ đỏ) trực tiếp chỉ đạo việc tìm kiếm cho lực lượng trên chiếc thủy phi cơ DHC6 – Ảnh: Quý Lâm

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu các lực lượng quân đội và phải tham gia tìm kiếm liên tục 24/24 giờ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đồng ý về việc cho phép thành lập Sở chỉ huy của lực lượng không quân, đóng tại sân bay Cà Mau; các lực lượng tiến hành mở rộng tìm kiếm từ phái Nam đảo Thổ Chu lên phía Bắc và Bắc Tây Bắc.

Tổng tham mưu trưởng lưu ý các lực lượng tìm kiếm phải thực hiện quyết tâm cao nhất, hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Tướng Tỵ cũng yêu cầu Quân Khu 9 cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện, để có tham gia cứu hộ, tìm kiếm.

Tại cuộc họp, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu ngoài việc thông báo bằng bộ đàm, loa, thì cần tuyên truyền bằng loa để đề nghị bà con ngư dân đang hoạt động trên biển, nếu phát hiện vật thể lạ cần báo cho lực lượng tìm kiếm.

Sáng 10-3, chiếc trực thăng Mi-17 102 thuộc Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – Không quân cất cánh từ sân bay Cà Mau đi Phú Quốc để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất tích. 

Trực thăng Mi-17 102 trước lúc cất cảnh khỏi sân bay Cà Mau – Ảnh: Duy Nhân 

Trung tá Nguyễn Đức Tải, cơ phó kiêm dẫn dường thuộc Trung đoàn 917 cho biết chiếc Mi-17 102 sau đó đã chở Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu từ sân bay Phú Quốc tới khu vực phát hiện vật thể lạ nghi là mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay trong thời gian từ 1 – 1,5 giờ. Trực thăng dự kiến sẽ trở về sân bay Cà Mau vào khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày.

Theo trung tá Tải, trong sáng 10-3 có 2 chiếc máy bay AN26 số hiệu 261 và 286 đang hoạt động tại khu khu vực phát hiện vật thể lạ nghi là mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay. Ngoài ra còn có 1 chiếc AN26 số hiệu 287 làm nhiệm vụ chỉ huy, chuyển tiếp thông tin.

Sáng 10-3, một nhóm phóng viên báo chí nước ngoài đã đến Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc nắm thông tin vụ máy bay Malaysia mất tích.

8 giờ 15: Đông đảo phóng viên tập trung về Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Phú Quốc liên hệ tác nghiệp, trong đó có một nhóm 6 phóng viên đến từ Hongkong (Trung Quốc). 

Đoàn phóng viên quốc tế tới Phú Quốc sáng 10-3. Ảnh: Quý Lâm 

Các phóng viên Hongkong (Trung Quốc) lập tức tìm hiểu thông tin về việc tìm kiếm với sĩ quan của Quân chủng Hải quân – Ảnh: Quý Lâm 

Sáng sớm 10-3, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không dân dụng quốc gia – cho biết thủy phi cơ DHC6 tiếp tục cất cánh từ sân bay Phú Quốc bay ra khu vực nghi vật thể nghi là cửa thoát hiểm máy bay bị rơi được lực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ này phát hiện lúc 17 giờ 30 phút ngày 9-3.

Từ khi tiếp cận hiện trường đêm 9-3 đến sáng 10-3, 2 tàu kiểm ngư số hiệu KN774 và tàu cảnh sát biển CSB 2003 đã quần đảo liên tục nhưng chưa phát hiện, tìm thấy vật thể lạ nghi là mảnh ốp cửa sổ thoát hiểm của máy bay.

Trung tướng Tuấn cũng cho biết Việt Nam đồng thời tiến hành công tác chuẩn bị các phương án triển khai Sở chỉ huy ở Phú Quốc để tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn chiếc máy bay Boeing 777-200 ER số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. 

Hình ảnh do lực lượng tìm kiếm trên thủy phi cơ DHC6 chụp cho thấy vật thể có hình dáng như mảnh ô cửa thoát hiểm máy bay 

Trong sáng 10-3, Đại tá Võ Hà Trung, Trưởng phòng Tìm kiếm Cứu nạn Chuyên ngành thuộc Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cùng bay vào Phú Quốc tham gia Sở Chỉ huy với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn Phạm Quý Tiêu.

Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam cho biết tàu SAR 413 (tàu hiện đang giữ vai trò chỉ huy hoạt động tìm kiếm trên biển) của trung tâm này hiện không đủ nhiên liệu cho hoạt động tiếp theo nên đề nghị với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho trở về tiếp nhiên liệu. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã đồng ý cho tàu quay về bờ bổ sung nhiên liệu và bàn giao chỉ huy hiện trường cho tàu Cảnh sát biển CSB 2001 đến khi tàu SAR 413 quay trở lại tìm kiếm.

Các lực lượng tìm kiếm trong ngày 10-3 sẽ mở rộng việc tìm kiếm về phía Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm ban đầu. Ngoài ra, Malaysia đã thống nhất với Việt Nam tìm kiếm phía Nam đường Vùng thông báo bay (FIR) HCM. Singapore thống nhất sẽ tìm kiếm khu vực giữa Việt Nam và Malaysia. 

Cán bộ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên liên lạc với tàu hải quân, cảnh sát biển làm nhiệm vụ tìm kiếm vật thể lạ nghi cửa thoát hiểm máy bay suốt đêm qua tới sáng nay 10-3 – Ảnh: Văn Duẩn 

Tính đến sáng 10-3, đã có 20 máy bay và 32 tàu của 6 nước, gồm: Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines và Singapore tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Trong đó, Việt Nam Việt Nam đã sử dụng 7 máy bay (3 AN26, 2 M-171, 1 DHC6, 1 CASA 212), bay 16 lần chuyến và điều 8 tàu các loại (SAR 413, SAR 272, CSB 2001, CSB 2003, HQ 954, HQ 637, KN 774, HQ 888) tham gia tìm kiếm tại hiện trường.

Theo đề nghị của phía Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đã cấp phép cho 3 tàu Trung Quốc và 1 tàu Mỹ vào tìm kiếm cứu nạn.

Tàu HQ 888 (tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian 3 chiều) đã về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) bổ sung nhiên liệu và đón 1 đội thợ lặn của lực lượng Hải quân đi thực hiện nhiệm vụ.

Theo Nld