Do kiểu nuôi con bọc kín đứa trẻ trong nhung lụa, chăm nom từng bước đi, giấc ngủ, trẻ ho một cái cha mẹ cũng rối lòng… mà lắm trẻ lên năm vẫn chỉ ăn được cơm đã xay nhuyễn, lên mười vẫn không biết con bò khác con trâu chỗ nào! Ý thức được những hệ luỵ trên, nhiều bà mẹ trẻ quyết tâm dạy con theo kiểu phương Tây. Tuy nhiên, “Tây” như thế nào thì mới phù hợp với đứa trẻ?
Kỷ luật sắt từ lúc nằm nôi
Con trai vừa đủ tháng, Thuỷ Hằng, 27 tuổi đã quyết định đưa cả nhà đi biển nghỉ dưỡng. Cô cho biết, vừa nghe qua ý định này mẹ ruột cô đã phản đối vì “Thằng nhỏ mới tròn một tháng, còn con mới sinh vết mổ chưa lành”. “Tôi phải giải thích với bà rằng chuyện nằm trong buồng kín mấy tháng trời là xưa rồi. Ở nước người ta, đứa trẻ vài ngày tuổi đã được đi tắm biển, chơi tuyết cho chắc da, chắc thịt, đủ sức đề kháng. Chứ cứ bọc kín như mình, trẻ ốm đau, quặt quẹo suốt”, Hằng kể. Rồi mặc kệ người thân khuyên can, cả giận dữ, trách mắng, bé Hải Anh, con trai Hằng được bố mẹ bế lên xe đò đi Mũi Né du lịch. Tại đây, mỗi sáng sớm cô bế bé ra biển, đặt cơ thể bé chạm nước dăm phút rồi bế lên; trưa xế, Hằng bế con ra đồi cát… phơi nắng với lý lẽ con mình sẽ chịu đựng được nắng nôi mưa gió, không phải cảm vặt sau này.
Hằng kể tiếp, khi con hai tháng tuổi, cô đã cách ly con ra phòng riêng. “Lúc đó bà nội, bà ngoại quyết liệt phản đối, đòi ngủ cùng với bé nhưng tôi không cho, sợ con trai quen hơi, vòi vĩnh. Tôi muốn con trai phải tự lập ngay từ giai đoạn nằm nôi. Chỉ là ướt tã thôi, trẻ khóc mà mình sà vào ôm lấy ôm để, rối rít xuýt xoa, chúng quen chiều chuộng thì sau này tuột dốc bản lĩnh luôn”, Hằng giải thích.
Nuôi con như rèn… lính
Trẻ nào cũng bẩm sinh lười ăn, phải cho chơi, đưa đi khắp đầu làng, cuối xóm, dỗ ngon dỗ ngọt mới đút xong bát cháo. Nhưng, với nhiều bà mẹ trẻ thời hiện đại, con không ăn không ép, vì tin rằng khi nào đói ắt bé sẽ ăn ngon, ăn chóng hết. Có không ít trường hợp trẻ đến bệnh viện khám, bị suy dinh dưỡng trầm trọng, do bị mẹ bỏ đói!
Cũng theo kiểu… Tây, khi trẻ vấp ngã, bà mẹ không vồ vập lo lắng, hoang mang bởi điều đó tạo cho trẻ tính ỷ lại, yếu đuối, chỉ biết dựa vào người lớn. Nhưng đôi khi, phương pháp này có phản ứng ngược. Cách đây không lâu, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM có tiếp nhận một bệnh nhi bảy tuổi gãy xương vai trong một lần chơi với bạn ở lớp. Đáng ngạc nhiên, bé bị thương đã ba ngày gia đình mới phát hiện. Bác sĩ hỏi sao bé không nói với gia đình, em trả lời: “Bố mẹ dạy con nếu bị đau phải chấp nhận, không được quấy khóc, kêu la”. Chỉ đến lúc ăn cơm, em cố bưng chén nhưng đau quá, chén cơm rơi xuống đất, gia đình mới nhận ra và đưa em đến bệnh viện. May mà bác sĩ cứu được cánh tay của em.
Bác sĩ Thái Thanh Thuỷ, trưởng khoa tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Dạy con không được mè nheo, vòi vĩnh khi ốm đau thì được. Nhưng, người lớn không thể nào tinh tế đến mức nhận biết hết diễn biến sức khoẻ trong cơ thể của một đứa trẻ. Trẻ đau như thế nào, bị té ra làm sao, cơ thể va đập vào đâu, cần phải tường thuật hết với bố mẹ. Khi trẻ vẫn còn tập bò, tập đi, chưa biết nói, thì khóc là biểu hiện ở trẻ cho người lớn biết tình trạng hiện thời của con. Bố mẹ cần phân biệt khi nào trẻ khóc vì mè nheo, khi nào là do cơ thể không tốt. Không thể học theo lối dạy của Tây, rồi áp dụng cứng nhắc vào việc nuôi dưỡng con mình”.
Tập con tự lập hay bỏ rơi con?
Báo chí cũng không ít các bài khuyến khích bố mẹ nên tạo cho con một lối sống tự thân, bản lĩnh ngay từ khi con còn nhỏ. Tuy nhiên, tự thân không đồng nghĩa với chuyện bỏ rơi con. Người phương Tây tiên tiến trong việc dạy dỗ con cái, nhưng chắc họ cũng sẽ không đồng ý với những bài học sáng tạo như trẻ một, hai tháng tuổi đã ngủ một mình, không người lớn bên cạnh, đau không được khóc, vấp không được la, lười ăn là bị bỏ đói.
Chuyên viên tâm lý Trần Văn Dương góp ý: “Hiện tại, nhiều người mẹ tìm đến các trung tâm tư vấn, nhờ các chuyên gia giúp họ những phương pháp lý tưởng trong việc dạy con cái. Không ít trường hợp dạy con thông thoáng, không gò bó ép con vào khuôn khổ, con muốn làm gì, thích gì thì bố mẹ đều ủng hộ. Nhưng không hiểu sao các bậc cha mẹ này vẫn có cảm giác con cái mình không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi tiếp xúc với các cháu, có cháu vừa khóc, vừa kể với chúng tôi: “Bố mẹ không thương con, khi con ngã trầy xước, rướm máu ở chân, mẹ không thoa thuốc, bảo con tự tìm thuốc thoa vào. Con ngủ một mình sợ ma, con muốn ngủ với mẹ, mẹ đuổi con về phòng bảo ngủ một mình cho quen. Con đi học về đói bụng, con thích mẹ lấy cơm cho con ăn, mẹ bảo tự lấy tự làm thì mới nên người”.
Cách dạy con của mỗi nước tuỳ thuộc vào bối cảnh xã hội, văn hoá nước ấy. Mỗi gia đình lại cần có một phương pháp dạy con riêng. Nhưng dù là Tây hay ta, phương pháp nào cũng phải dựa trên sự yêu thương, cảm thông, lắng nghe thì mới hiệu quả – chuyên viên Trần Văn Dương chia sẻ.
Nguyên Cao
Theo báo SGTT