Rất nhiều người tin rằng chúng ta đang hấp thu quá nhiều muối. Các loại thức ăn chế biến sẵn sẽ làm tăng áp huyết, gây đột quỵ và các loại bệnh tim mạch. Các nhà chế biến thực phẩm bàng quan đang bân rộn tìm cách làm chúng ta nghiện các thực phẩm mặn.
Giảm lượng muối trong bữa ăn sẽ không cứu thêm nhiều mạng người. (Jupiterimages/photos.com)
Mọi hướng dẫn ăn kiêng đều khuyên chúng ta không nên ăn mặn.
Có một cơ sở sinh học hợp lý cho những lo ngại này. Cơ thể người có nhiệm vụ quan trọng đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa muối và nước trong một khoảng hẹp. Khi hấp thụ muối, chúng ta sẽ tự động tích trữ thêm nước để trung hòa lượng muối này. Vì vậy thể tích của máu sẽ tăng lên và huyết áp do vậy cũng sẽ tăng theo.
Quả tim do đó sẽ đập mạnh hơn, và thậm chí huyết áp sẽ tăng lên cao hơn. Huyết áp cao sẽ gây ra đột quỵ và các bệnh về thận, và một quả tim yếu sẽ không thể bơm máu để thắng được lực cản, nên khả năng tuần hoàn máu có thể sẽ giảm.
Theo lý luận này, khi bạn giảm lượng muối từ khẩu phần ăn, thể tích máu và huyết áp sẽ giảm, và các cơn đột quỵ, các bệnh về thận, tim mạch vì thế sẽ được ngăn ngừa.
Nó quả là một lý lẽ khá thuyết phục để giảm lượng muối hấp thu. Nhưng liệu rằng khoa học có ủng hộ lý luận này không? Bạn có thể sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi câu trả lời là không, không thật sự là như vậy.
Tổ chức đánh giá bằng chứng nổi tiếng thế giới, Cochrane Collaboration (1), đã thực hiện hai phân tích tổng hợp tốt nhất về giả thuyết này. Nó kết luận rằng các đợt thử nghiệm việc giảm đáng kể lượng muối trong chế độ ăn trong thời gian dài chỉ có tác dụng rất thấp trong hạ huyết áp, mức hạ huyết áp này cũng chỉ tương đương với mức sai số kỹ thuật của các dụng cụ đo huyết áp.
Collaboration cũng không tìm thấy được ích lợi trong việc giảm lượng muối hấp thu khi đang mang thai và ích lợi của các bữa ăn ít muối đối với các bệnh nhân hen suyễn.
Hai nhà dịch tễ học làm việc tại Anh Quốc cũng đã làm một phép phân tích tổng hợp lớn về các nghiên cứu với chất lượng thấp hơn, và nó chỉ ra rằng việc giảm lượng muối hấp thụ có liên hệ với những thay đổi nhỏ trong các nhân tố rủi ro gây bệnh tim mạch. Huyết áp tụt xuống khoảng 5-6%, song nồng độ một số lipid lại tăng. Nhưng bài nhận định này, trong đó nhắc lại các kết quả nghiên cứu của Cochrane, rằng không tìm thấy bất cứ thứ gì để chỉ ra việc hấp thụ muối sẽ có ảnh hưởng đáng kể trực tiếp đến các loại bệnh tim mạch.
Nói cách khác, việc giảm lượng muối hấp thụ không dẫn tới việc cứu thêm nhiều mạng người.
Bài nhận định này có bao gồm một nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc giảm lượng muối hấp thụ và các loại bệnh tim mạch. Nghiên cứu này chỉ ra rằng bạn có thể phòng chống một “sự kiện” tim mạch- như là đột quỵ, lên cơn đau tim, hoặc chỉ đơn giản là đau ngực- cho mỗi nghìn người-với hàng năm trời kiêng muối.
Điều đó có nghĩa là gì? nghĩa là (giả định tất cả các mắt xích trong chuỗi suy luận logic của nghiên cứu này là hợp lý và nghiên cứu này là chính xác, và tất cả các giả thuyết trái ngược đều là sai) nếu bạn là người ăn nhạt từ khi sinh ra tới lúc mất, bạn sẽ có khoảng 1 trong 16 cơ hội phòng ngừa được một đợt phát bệnh tim mạch.
Quá ít muối
Vậy điều ngược lại thì sao? Liệu rằng việc kiêng muối sẽ có hại cho sức khỏe?
Nhà dịch tễ học người Mỹ Michael Alderman đã chỉ ra trong một bài báo trong đó ông đặt câu hỏi về hiểu biết về việc kiêng muối khi mà chúng ta chỉ đo lường chỉ số huyết áp, trong khi thực ra có thể tồn tại các ảnh hưởng tiêu cực của việc kiêng muối mà chúng ta chưa đo lường. Nói cách khác, có thể chúng ta chưa thấy được toàn cảnh bức tranh này.
Trên thực tế, một bản đánh giá của tổ chức Cochrane Collaboration lần thứ hai với chất lượng các đợt thử nghệm cao hơn không hề tìm thấy các bằng chứng thuyết phục về ảnh hưởng có lợi của việc kiêng muối đối với các bệnh tim mạch, bao gồm các cơn đột quy. Và một trong các nghiên cứu được đánh giá bằng phương pháp này lại cho thấy khả năng tử vong tăng lên gấp ba lần khi kiêng muối ở những người mắc chứng suy tim sung huyết.
Các thử nghiệm khác dường như cũng khẳng định rằng thậm chí trong suy tim sung huyết cấp tính , kiêng muối cũng không phải là một ý hay.
Dù vậy, hàng ngày, qua nhiều cách khác nhau, các kênh truyền thông vẫn luôn hô hào một khẩu hiệu: “Giảm lượng muối!” Các nhà chức trách khuyến cáo không nên tiêu thụ hơn 1.500 đến 2.500 milligam natri mỗi ngày. Nhưng bạn có biết: Chỉ một thìa cà phê muối thông thường đã chứa 2.325 milligam natri.
Điểm mấu chốt đã rất rõ ràng: Kiêng muối sẽ không tạo ra sự khác biệt tới sức khỏe. Phải chăng đã đến lúc mang lọ muối trở lại bàn ăn?
John Sloan,, tiến sĩ y học, là một bác sỹ gia đình đang hành nghề và giáo sư lâm sàng ở Khoa Chữa Bệnh Gia Đình thuộc Đại Học British Columbia. Ông là tác giả của hai cuốn sách đã được xuất bản và cuốn sách sắp xuất bản “Ảo tưởng về bữa tối: Vạch trần những hoang đường về ăn uống lành mạnh.”
Ghi chú của người dịch :
(1) Cochrane Collaboration là một tổ chức hoạt động công ích nhằm mục đích giúp công luận tiếp cận được với những kiến thức y học. Tổ chức này mang tên của nhà dịch tễ học người Anh Achibald Leman Cochrane, một trong những nhà khoa học sáng lập ngành y học trực quan (EbM). Những “phân tích Cochrane” được coi là những phân tích chi tiết nhất trong y học. Mục tiêu nghiên cứu là những câu hỏi liên quan đến công dụng và tác hại của điều trị y học và dược phẩm.
Dịch Việt ngữ bởi Việt Nguyên