Dù bị cho là “chân yếu tay mềm” nhưng những nữ cướp biển này đã chứng tỏ bản lĩnh của đấng nam nhi – ngang dọc một thời trên biển.
Khi nói đến cướp biển, chúng ta thường nghĩ ngay đến những người đàn ông lực lưỡng hung tợn với bộ râu rậm rạp. Nhưng có những nhân vật cướp biển đã phá vỡ khuôn mẫu nam nhi này.
Dù chỉ là những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng họ chinh chiến không thua kém bất kì người đàn ông nào, đôi khi còn trở thành những nữ cướp biển khét tiếng nhất mọi thời đại.
1. Jeanne de Clisson
Jeanne de Clisson (1300 – 1359) là hậu duệ của một gia đình người Anh và sống ở Brittany (một tỉnh của nước Pháp). Vào năm 1330, Jeanne kết hôn với Olivier III de Clisson – một nhà quý tộc giàu có.
Do thất bại trong việc bảo vệ Vannes nên Olivier đào tẩu sang Anh. Tuy nhiên, vào năm 1340, ông bị bắt và chịu hành quyết theo lệnh của vua Philip đời thứ VI.
Jeanne tức giận và thề sẽ trả thù vua Philip. Bà bán hết tất cả đất đai của mình và lấy một người quý tộc giàu sang để có tiền mua ba chiếc tàu chiến. Những tàu này được sơn toàn bộ màu đen.
Hạm đội đen.
Sau đó, bà cho “hạm đội đen” này ra khơi và săn đuổi những tàu của vua Phillip. Jeanne không hề nương tay, bà cho xẻ thịt toàn bộ thủy thủ đoàn bà bắt được, chỉ để lại một vài người để truyền đạt lại với nhà vua rằng: “Con sư tử cái ở Brittany đã nổi dậy”.
Ngay cả sau khi vua Phillip qua đời năm 1350, bà vẫn tiếp tục phá hủy những chiến tàu của Pháp. Tàn ác hơn, bà sẵn sàng dùng rìu để chặt đầu, xẻ thân của những thủy thủ đoàn và vứt xác cùng bộ phận thân thể họ xuống biển. Năm 1356, bà trở về nước Anh và mất không lâu sau đó.
2. Sayyida al Hurra
Sinh ra vào khoảng năm 1485, Sayyida al Hurra là con gái của một gia đình Hồi giáo nổi tiếng ở Vương quốc Granada. Vào năm 1492 sau khi bị những tín đồ Cơ Đốc giáo Tây Ban Nha xâm chiếm lãnh thổ, họ buộc phải trốn khỏi nhà của mình và chuyển đến định cư tại Tetouan, Morocco.
Sau cái chết của chồng năm 1515, Sayyida trở thành thống đốc của Tetouan. Sau đó, bà gặp và kết hôn với vua của Morocco – Ahmed al-Wattasi. Từ đó, Sayyida sống cuộc sống giàu sang bậc nhất. Sayyida luôn mong được quay trở lại quê hương nhưng chưa nguôi cơn giận với những tín đồ cơ đốc xưa kia đã chiếm nhà của mình.
Dựa vào uy quyền vua Ahmed al-Wattasi, bà tìm gặp thuyền trưởng Barbarossa ở Algiers và ngang nhiên cướp lấy con tàu của những tín đồ Cơ đốc này. Từ đây, bà sớm trở thành nữ hoàng quyền lực trên biển Địa Trung Hải trong con mắt của các tín đồ cơ đốc lúc bấy giờ khi thu giữ nhiều tàu thuyền nhỏ hơn trên biển.
Sayyida còn trở thành nhà đàm phán chính với chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi họ muốn tìm cách chuộc lại tù nhân bị bắt bởi cướp biển. Năm 1542, Sayyida bị lật đổ bởi con rể của mình và từ đó, người ta cũng không rõ số phận của bà ra sao.
3. Anne Dieu-Le-Veut
Sinh năm 1650, Anne là một tội phạm bị trục xuất khỏi Pháp và bị đày đến Tortuga (còn gọi là Đảo Rùa, một đảo thuộc vùng biển Caribbean, Haiti) vào khoảng năm 1665 – 1675. Trong khoảng thời gian bị lưu đày, bà gặp và kết hôn với một tên cướp biển tên là Pierre Length.
Đảo Rùa Tortuga.
Năm 1683, Pierre bị giết bởi Laurens de Graaf – một tên cướp biển, đồng nghiệp thân thiết của mình trong quán rượu. Tức giận, Anne đã thách thức Laurens và có cả hai tham gia trận đấu tay đôi, ông rút ra một thanh kiếm còn Anne đã rút ra một… khẩu súng.
Nhưng Laurens từ chối đánh nhau với phụ nữ, thay vào đó, ông cảm thấy ấn tượng bởi cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ này và sau đó cầu hôn cô. Dường như quên mất rằng mình đang cố gắng giết người đàn ông này, Anne liền đồng ý.
Cặp vợ chồng hạnh phúc cùng nhau ra khơi, đi khắp năm châu bốn biển, bắt giữ nhiều tàu thuyền và thậm chí còn cướp bóc ở Jamaica vào năm 1693. Năm 1694, một cuộc đột kích của Anh vào Đảo Rùa dẫn đến việc Anne cùng hai cô con gái bị bắt giữ. Bốn năm sau, Anne được đoàn tụ cùng với Laurens và số phận của gia đình họ từ đó không ai còn biết tới.
4. Jacquotte Delahaye
Sinh ra ở Haiti, mẹ là người Haiti và cha là người Pháp, Jacquotte có một tuổi thơ khó khăn. Mẹ cô qua đời sau khi sinh em trai, còn cha cô thì bị giết, chỉ kịp để lại cho Jacquotte ít tiền tự chăm sóc mình và người em trai bị tổn thương não nhẹ.
Jacquotte, từ một người con gái đẹp với mái tóc đỏ rực buộc lòng phải đi cướp bóc ở vùng biển Caribbean để có tiền lo cho em trai mình. Hoạt động vào thập niên 1660, cô đã giả chết để thoát khỏi sự săn lùng của chính phủ và cải trang sống như một người đàn ông.
Sau những năm dài sống trốn tránh thân phận thật của mình, cô đã quyết định trở lại như một nữ tướng cướp và được biết đến với cái tên “sự trở về của màu đỏ chết chóc”. Theo một số tài liệu ghi lại, Jacquotte được cho là đã đồng hành cùng với Anne Dieu-Le-Veut trong những chuyến vượt biển cướp tàu.
5. Anne Bonny
Anne Bonny sinh ra vào khoảng năm 1697 tại Ireland. Mẹ của Anne mất khi Anne mới 15 tuổi. Một năm sau, Anne bỏ trốn theo một tên cướp biển tầm thường James Bonney. Ngăn cản con gái không nổi, cha Anne đành tuyên bố từ mặt vợ chồng cô. Quá tức giận, Anne đã thiêu toàn bộ đồn điền, trang trại của cha rồi trốn đi cùng chồng.
Sau đó, cô chuyển đến hang ổ hải tặc ở Bahamas. Ở đây, cô gặp Jack Rackham, thuyền trưởng của tàu Revenge và trở thành nhân tình của ông.
Sau khi li dị James và cưới Jack, họ cùng nhau chinh chiến trên biển. Anne giúp Jack xây dựng đội ngũ thủy thủ đoàn mới đông đảo, tinh nhuệ hơn và bắt giữ được nhiều tàu thuyền hơn. Tuy nhiên, thống đốc nước Anh lúc bấy giờ – Rogers lo ngại đội quân của Jack sẽ lớn mạnh hơn nên phát lệnh truy quét băng đảng này.
Tàu The Queen Anne’s Revenge.
Do không đấu lại được với sự áp đảo của lính Anh, hạm đội của Anne và Rackham bị bắt giữ và chịu tội. Tuy nhiên, người cha của Anne đã mua chuộc tòa án, giúp con gái được hoàn toàn trắng án. Anne tới một vùng đất nhỏ ở nước Anh và sống cùng đứa con thơ của mình.
6. Ching Shih
Ching Shih (1785 – 1844) được biết đến là nữ cướp biển lẫy lừng người Trung Quốc vào thế kỷ XIX. Bà từng là một gái điếm làm việc tại thành phố Quảng Châu và bị những tên cướp biển bắt giữ vào năm 1801. Sau đó, bà kết hôn với thuyền trưởng của họ là Zheng Yi. Ông đã thành lập một liên minh của các đoàn cướp biển ở Trung Quốc, được gọi là “Hạm đội Cờ Đỏ”.
Sau cái chết của Zheng Yi vào năm 1807, Ching Shih nắm quyền chỉ huy của hạm đội bao gồm hơn 300 tàu chiến và 40.000 thủy thủ. Đến cả Hải Quân Anh cũng phải khiếp sợ với hạm đội này khi biết rằng, bà thường đóng đinh kẻ thù của mình xuống sàn tàu và đánh họ đến chết. Hải quân Trung Quốc đã mất 63 tàu chiến vào tay hạm đội hải tặc này.
Không thể bắt Ching Shih quy hàng, năm 1810 triều đình buộc phải đề nghị bà buông tha đế chế thống trị để đổi lấy tự do. Không ngần ngại, nữ cướp biển nắm bắt ngay cơ hội quý giá và tiến tới bàn thương lượng.
“Hạm đội Cờ Đỏ”.
Số phận hạm đội “Cờ Đỏ” được định đoạt: trong đội quân cướp biển hùng hậu lên tới 80.000 tên, chỉ có 126 tên bị xử trảm, chưa đến 400 tên bị lưu đày, số còn lại hoặc được trả tự do hoặc sung vào quân ngũ. Sau đó, Ching Shih rút lui về đất liền cùng tân lang an hưởng tuổi già.
Theo Kenh14