Tinh Hoa

TP.HCM “điên đầu” với bệnh truyền nhiễm

Trong khi các ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao, TP.HCM lại có bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1 và bất ngờ xuất hiện một ổ dịch bệnh sốt rét.

Ngày 3/8, BS Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TP.HCM) cho biết, bệnh tay chân miệng tại TP vẫn còn đứng ở mức cao với hơn 400 ca mắc/tuần. TP.HCM mới có thêm một ca mắc bệnh tay chân miệng tử vong là bệnh nhi Nguyễn Minh Gia Ph. (2 tuổi, ngụ tại phường 8, quận 11, TP.HCM), tử vong sau 12 tiếng nhập viện với chẩn đoán là tay chân miệng độ 4 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tổng cộng, TP.HCM đã có 22 ca tử vong bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có một ca tử vong do cúm A/H1N1. Sau khi bệnh nhân Trang Thị H.Th.,  nữ, 25 tuổi, ngụ tại ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM tử vong, y tế dự phòng đã lấy máu xét nghiệm với những người tiếp xúc với bệnh nhân. Kết quả điều tra tại nhà cho thấy cháu của bệnh nhân là Trang Ngọc Tường V. (18 tháng tuổi, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị nhiễm bệnh cúm A/H1N1, hiện đã nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Bệnh sốt rét tiếp tục gia tăng

BS Thọ cho biết thêm, TP.HCM bất ngờ xuất hiện một ổ dịch bệnh sốt rét tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gần một tháng nay, số bệnh nhân ngày càng gia tăng. Tính đến ngày hôm nay, số ca bệnh đã là 26 bệnh nhân, những bệnh nhân này hoàn toàn không ra khỏi nơi cư ngụ, cũng không giao du với người trong vùng dịch trong vòng 6 tháng.

Trước tình hình dịch sốt rét xảy ra ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, ngành y tế tích cực triển khai đợt phun thuốc diệt muỗi, thuốc diệt bọ gậy tại địa phương nơi xảy ra dịch, đồng thời cung cấp màn tẩm thuốc diệt muỗi hoặc phun thuốc tẩm màn cho cộng đồng dân cư nơi đây.

“Chúng tôi cũng kết hợp cán bộ địa phương tuyên truyền cách phát hiện bệnh sốt rét, để bệnh nhân tự phát hiện mình bị sốt hay người thân bị sốt phải đưa đi khám và làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Nếu có bệnh sẽ được điều trị kịp thời”, BS Thọ cho biết.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã tiến hành đi khảo sát, lấy mẫu tại địa phương để theo dõi ký sinh trùng gây bệnh. Tất cả bệnh nhân bị sốt rét được uống thuốc để diệt ký sinh trùng và tránh truyền bệnh cho người khác qua muỗi trung gian là Anophene epiroticus.

 
Điều trị sốt rét ác tính tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM

Hiện Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM đang phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM triển khai các hoạt động phòng chống dịch như thực hiện phun, tẩm hóa chất diệt muỗi toàn bộ các hộ dân trong xã Hiệp Phước, điều trị bệnh nhân theo phác đồ quy định của Bộ Y tế, điều trị dự phòng mở rộng cho các đối tượng sống cùng nhà và các hộ xung quanh gia đình có bệnh nhân sốt rét.

 
Lấy máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét tất cả người sống cùng nhà và những hộ dân xung quanh gia đình có bệnh nhân sốt rét. Chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn huyện củng cố và tăng cường hoạt động phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét. Tiến hành giám sát, phát hiện đến khi không phát hiện bệnh nhân sốt rét tại chỗ trên địa bàn huyện. Đánh giá độ nhạy cảm của muỗi truyền bệnh đối với hóa chất đang sử dụng và tiến hành giám sát véc tơ sau khi phun, tẩm. Tuyên truyền vận  động nhân dân trong vùng hiểu biết và hưởng ứng các biện pháp phòng chống sốt rét trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện báo cáo tuần từ xã lên quận/thành phố, Viện và Bộ Y tế.

TS.BS Lê Thành Đồng, Viện Trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM cho biết thêm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM cũng đã chỉ đạo các tỉnh/thành phố khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng tăng cường giám sát dịch tễ sốt rét nhằm phát hiện sớm, kịp thời giải quyết ngay các ca bệnh, ổ bệnh mới phát sinh.

Thanh Thủy
Theo Bee