Tối qua, Hạm đội Biển Đen của Nga ra tối hậu thư yêu cầu các lực lượng Ukraine ở bán đảo Crimea đầu hàng trước 5h sáng 4/3 (giờ địa phương – 10h theo giờ VN), nếu không họ sẽ tấn công tổng lực, hãng tin Ukraine Interfax-Ukraine dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này.
Ngay sau đó, Văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine ở Crimea xác nhận thông tin này, BBC đưa tin tối qua. Chuyên gia an ninh quốc tế Ian Brzezinski cho rằng, để tăng cường an ninh cho Ukraine, NATO cần cân nhắc 4 phương án, trong đó có việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh của tổ chức này.
Việc triển khai có thể bao gồm việc gửi các tàu chiến của NATO tới Biển Đen. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận tình hình ở Ukraine, hãng tin NgaInterfax đưa tin tối 3/3.
Chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin để tâm những cảnh báo của phương Tây (Mỹ và EU đe dọa trừng phạt Nga trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, kinh tế). Nga tuyên bố sẽ vẫn duy trì quân đội ở Ukraine, để bảo vệ quyền lợi và công dân của mình đến khi tình hình “trở lại bình thường”.
Điều động máy bay, tàu chiến
Ngày 3/3, Lực lượng Biên phòng Quốc gia của Ukraine thông báo, hai tàu đổ bộ tấn công của Nga, Olenegorskiy Gornyak thuộc Hạm đội Phương Bắc và Georgy Pobedonosets thuộc Hạm đội Baltic, đến cảng Sevastopol thuộc bán đảo Crimea hôm Chủ nhật, BBC đưa tin. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, 10 máy bay chiến đấu và 8 máy bay chở hàng quân sự của Nga hạ cánh xuống Crimea.
Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm qua nói rằng, đã điều một máy bay SU-27 để chặn một số máy bay chiến đấu của Nga xâm phạm không phận Ukraine trên Biển Đen vào đêm 2/3. Đội xe bọc thép của Nga đã được huy động đến khu vực biên giới gần eo biển Kerch nối Nga với Crimea. Sóng điện thoại di động ở một số khu vực của Crimea bị chặn.
Theo hãng tin Mỹ AP, một số quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ tin rằng, Nga giờ đã kiểm soát hoàn toàn Crimea và đang có hơn 6.000 quân ở khu vực này. Ngày 3/3, các binh sĩ nói tiếng Nga kiểm soát một bến phà ở thành phố Kerch thuộc vùng cực Đông của Crimea, cách Nga khoảng 20km đường thủy.
Báo chí Nga đưa tin Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa ra lệnh xây dựng cây cầu dài 4,5km nối Nga với Crimea qua eo biển Kerch. Một công ty mới sẽ được thành lập để thực hiện dự án với chi phí dự kiến 3 tỷ USD và mất 5 năm để hoàn thành.
Ngày 3/3, ít nhất 100 người biểu tình thân Nga chiếm một phần tòa nhà chính phủ 11 tầng ở thành phố Donetsk ở phía đông Ukraine, theo hãng tin Nga Itar-Tass. Bên ngoài tòa nhà, quốc kỳ Nga đã được treo lên, thay cho cờ Ukraine.
Cùng ngày, trước cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói với các phóng viên: “Tôi thúc giục Liên bang Nga kiềm chế bất kỳ hành động hay lời phát biểu nào có thể khiến tình hình leo thang”. Theo ông, hiện nay, điều quan trọng nhất là lập tức tránh gia tăng căng thẳng thông qua đối thoại.
Phương Tây khó can thiệp quân sự
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố rằng, đất nước của ông sẽ không bao giờ từ bỏ Crimea, rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cướp Crimea cũng sẽ thất bại. Tuy nhiên, ông Yatseniuk cũng nói “cho đến hôm nay thì chưa có giải pháp quân sự nào được cân nhắc”, mà kêu gọi ủng hộ chính trị và kinh tế từ cộng đồng quốc tế.
Kiev một mặt hy vọng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại, nhưng mặt khác vẫn huy động lực lượng quân đội. Nam giới trên khắp nước này đã nhận được giấy gọi nhập ngũ và sẽ tham gia đợt huấn luyện dài 10 ngày, bắt đầu từ hôm 3/3.
Tuy nhiên, bốn quan chức cấp cao của quân đội và an ninh Crimea hôm qua tuyên thệ trung thành với nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine nhưng thân Nga, theo kênh truyền hình Nga RT. Đó là Giám đốc Cơ quan An ninh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Cơ quan Tình trạng khẩn cấp và quyền Chỉ huy Bảo vệ biên phòng.
Ngày 2/3, tân Tư lệnh Hải quân Ukraine Denis Berezovskyi cũng tuyên bố đứng về phía người dân Crimea. Ngay sau đó, ông này bị truy tố về tội phản quốc.
Chuẩn bị công du Kiev, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, các nhà lãnh đạo thế giới “đang chuẩn bị cô lập Nga”. Ông Kerry nói ông đã tham vấn các lãnh đạo thế giới và tất cả đều cam kết làm mọi điều cần thiết để cô lập Nga về ngoại giao.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev hôm nay (4/3) để gặp gỡ chính quyền Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói Mỹ đã sẵn sàng làm việc với các nước và Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Ngày 3/3, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích những tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về Ukraine là “không thể chấp nhận được”, đồng thời cáo buộc phương Tây bao che, nối giáo cho những kẻ theo chủ nghĩa phát-xít đang đập phá các nhà thờ, trong khi tuyên bố chiến tranh với cộng đồng nói tiếng Nga.
Hôm qua tại Brussels, Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen nói rằng, hành động can thiệp của Nga tại Ukraine vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, nên NATO đang đánh giá lại quan hệ với Nga.
Một số nước lớn cân nhắc việc không cấp visa, phong tỏa tài sản của quan chức Nga, áp dụng các biện pháp trừng phạt về thương mại, đầu tư… Ngoại trưởng Mỹ Kerry cảnh báo, Nga có nguy cơ bị đưa ra khỏi nhóm 8 cường quốc thế giới (G8) và sẽ vấp phải những khó khăn lớn trong thời gian dài.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, phương Tây vẫn chưa chuẩn bị gì để phản ứng tức thời đối với lực lượng quân sự Nga. Theo AP, một số quan chức Mỹ nói rằng, Mỹ chưa cân nhắc hành động quân sự chống lại Nga, mà chỉ tập trung vào các lựa chọn ngoại giao, kinh tế và chính trị.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, tình thế hiện nay ở Ukraine là “cuộc khủng hoảng lớn nhất ở châu Âu trong thế kỷ 21” và cảnh báo “thế giới không thể cho phép điều này xảy ra”.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu khác, đặc biệt là Đức, còn phải tính toán nhiều lợi ích địa chính trị khác. Đức và Nga đang có nhiều ràng buộc kinh tế, đặc biệt là việc Đức đang phải nhập khẩu lượng khí đốt quan trọng từ Nga. Đức được cho là có quan điểm thực dụng và hòa giải hơn, khi nhấn mạnh việc giữ Nga trên bàn đàm phán.
Một số nhà ngoại giao nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) khó có khả năng ủng hộ quan điểm của Mỹ về việc trừng phạt hay đẩy Nga ra khỏi G8 vào giai đoạn này. EU có thể sẽ ủng hộ vai trò giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) – biện pháp được cho là hiệu quả ở Gruzia sau cuộc xung đột năm 2008.
Theo TPO