Song song với các vấn nạn về ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế thì một cuộc khủng hoảng khác cũng đang manh nha, với mức độ nguy hại không kém đối với sức khỏe con người và sự phát triển của đất nước, đó là: sự khan hiếm nước.
Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (NIC) báo cáo: “Global Trends 2030: Alternative Worlds” (Xu hướng toàn cầu 2030: Những thế giới khác) khẳng định – liên quan đến Trung Quốc – rằng: “Biến đổi khí hậu, xu hướng đô thị hóa, lối sống tầng lớp trung lưu sẽ tạo ra nhu cầu nước khổng lồ cũng như tạo ra một sự thiếu hụt nước cho mùa vụ vào năm 2030. Bên cạnh những chi phí về kinh tế và y tế công cộng, sự khan hiếm nước cũng đe dọa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Nguyên nhân thiếu nước ở Trung Quốc đi kèm với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Ông Hồ Tứ Nhất, phó bộ trưởng bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, phát biểu vào năm 2012 rằng hơn 40% các con sông ở Trung Quốc ô nhiễm nghiêm trọng sau khi 75 tỉ tấn rác thải và nước thải tuôn vào đó. Ông cũng nói rằng ⅔ các tỉnh thành trong cả nước đang “cần nước” và xấp xỉ 300 triệu cư dân vùng nông thôn thiếu nước sạch để uống.
Người ta ước tính rằng 4,05 triệu ha đất được tưới bằng nước bị ô nhiễm, dẫn đến những tác động tiêu cực lên năng suất cây trồng cũng như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ô nhiễm nước làm gia tăng tỉ lệ tiêu chảy và viêm gan siêu vi, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tình trạng này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt ở những nơi mà nước thải công nghiệp không được kiểm soát hoặc không có nhà máy xử lý nước thải và rác thải.
Một trong những lý do gây ra mức độ ô nhiễm tệ hại này là tốc độ công nghiệp hóa đến chóng mặt dẫn đến một số lượng không nhỏ các nhà máy hóa chất mọc lên dọc theo sông Dương Tử, gần khu vưc cung cấp nước uống trọng yếu. Những nguồn nước này bị nhiễm chéo do dòng chảy tràn mạnh bạo của một số chất độc như Cadmium, chromium. Thêm vào đó, phần lớn các tầng ngậm nước ở Trung Quốc (một lớp nước dưới đất ở đó có các dạng đá bảo hòa giúp nước có thể đi qua dễ dàng) còn phải chịu nhiễm asen từ trong nước ngầm.
Một báo cáo năm 2013 từ khảo sát địa chất của Trung Quốc nói rằng 90% nguồn nước ngầm quốc gia bị ô nhiễm. Ước tính của Bộ Bảo vệ môi trường cho biết nước từ khoảng 25% các con sông lớn của Trung Quốc ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được cho ngành công nghiệp lẫn nông nghiệp. Theo Bộ Giám sát thì có khoảng 1.700 sự cố ô nhiễm nguồn nước dẫn đến gần 60.000 ca tử vong sớm mỗi năm.
Đây là một tình huống nghịch lý vì Trung Quốc là một trong những nước giàu tài nguyên nước nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước phân bố không đều vì chúng tập trung áp đảo ở phần phía Nam của đất nước trong khi miền Bắc dễ bị thiếu nước hay nói cách khác là đang trong tình trạng có thể đạt mức khủng hoảng.
Những dòng nước tắc nghẹn
Bộ Tài nguyên nước công bố trong năm 2012, kết quả từ một cuộc khảo sát đường thủy quốc gia, trong đó tiết lộ rằng 28.000 con sông đã biến mất trong vòng 20 năm qua, làm gia tăng những lo ngại nghiêm trọng cho các nhà môi trường học và các quan chức chính phủ. Mặc dù một số quan chức tin rằng một sự suy giảm mạnh như vậy có thể đổ lỗi cho các kỹ thuật lập bản đồ lỗi thời, còn các chuyên gia tin vào một lời giải thích hợp lý hơn là sự phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước đi kèm với những hướng dẫn thực thi môi trường kém hiệu lực.
Ngoài ra, Trung Quốc kiểm soát đầu nguồn của nhiều con sông quan trọng ở châu Á, chẳng hạn như sông Irtysh, sông Mekong và sông Brahmaputra. Những con đập trên các con sông này của Trung Quốc đã gây ra sự phản đối từ các nước bị ảnh hưởng. Hành động của Trung Quốc ở thượng nguồn có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng làm hạ mực nước sông tạo ảnh hưởng lên dòng chảy, lụt lội, mức độ bồi lắng và sự hiện diện của đa dạng các chủng loài động vật hoang dã, cũng như sinh kế của người dân vùng hạ lưu. Số lượng các con đập lớn mà Trung Quốc xây dựng bằng với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng này, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một loạt các biện pháp như cấu trúc thiết kế trong dự án chuyển nước Nam -Bắc, dự án trị giá 62 tỉ Đô la đắt gấp đôi dự án đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Mục đích của dự án chuyển nước Nam – Bắc là để chuyển hướng ít nhất là 6 nghìn tỷ gallon nước ( gần 23 tỉ mét khối nước) mỗi năm từ khu vực phía Nam đến sông Hoàng Hà và sông Hải ở phía bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, một dự án lớn như vậy nhưng vẫn có một số nhược điểm. Bên cạnh vấn đề chi phí, thì quan trọng nhất là số lượng người sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án. Hơn 350.000 người dân buộc phải di dời để mở đường cho các kênh dẫn, trong nhiều trường hợp họ sẽ phải nhận phần đất bồi thường là đất phẩm chất nông nghiệp thấp và cách xa nơi ở cũ của họ. Ngoài ra, dự án lớn như thế có thể phá hủy hệ sinh thái tự nhiên của các con sông miền Nam cùng với tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân.
Từ những mối nghi ngờ liên quan đến chất lượng của nguồn nước được chuyển hướng này, hiện việc khử mặn đang được xem xét như một biện pháp thay thế. Tuy nhiên, quá trình khử mặn sử dụng một lượng năng lượng đáng kể để sản xuất các bộ lọc và để xử lý và vận chuyển nước sạch, theo lập luận của Zhang Junfeng, một nhà hoạt động môi trường và giáo sư môi trường và y tế toàn cầu tại Đại học Nam California. Ông cũng nói rằng khử mặn là một giải pháp xử lý nhanh nhưng không được khuyến khích nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên có giá trị.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc nên tập trung vào việc giảm nhu cầu về nước thông qua việc sử dụng hợp lý hơn các nguồn cung hạn hẹp đồng thời kiểm soát sự ô nhiễm. Ngoài ra, quy định mới nên được ban hành nhằm hướng dẫn việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nước trong công nghiệp và nông nghiệp. Thành phố mới phải được xây dựng căn cứ trên tính toán về nguồn nước có sẵn và việc gây ô nhiễm nên bị phạt thích đáng. Cuối cùng, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước của Trung Quốc là chính trị hơn là kỹ thuật.
César Chelala, Tiến sĩ, Bác sĩ Y khoa, một nhà tư vấn sức khỏe cộng đồng quốc tế và cùng là người đồng chiến thắng giải Press Club của Mỹ ở nước ngoài .
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.