Trung Quốc vừa công bố một bản phúc trình về những điều mà họ cho là vi phạm nhân quyền ở Hoa Kỳ, sau khi một bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền thế giới mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh. Thông tín viên đài VOA William Gallo tường thuật .
Phát ngôn viên Trung Quốc Tần Cương nói Phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một bạch thư về tình trạng nhân quyền của Mỹ. Theo giáo sư Trình Lập Bắc Kinh ở vào tình thế lưỡng nan khi phê phán Mỹ, vì chủ trương của TQ là các nước không nên can thiệp vào việc nội bộ của nước khác
Bản phúc trình của Mỹ, công bố hôm thứ Năm, mạnh mẽ đả kích một loạt những chính sách của Trung Quốc, trong đó có sự đàn áp những người chỉ trích chính phủ, cách đối xử với những sắc dân thiểu số và sự kiểm duyệt trên internet.
Phúc trình này ghi nhận những sự cải thiện ở Trung Quốc, như việc nới lỏng chính sách một con lâu nay vẫn thường bị nhiều người lên án, và việc Bắc Kinh quyết định đóng cửa, trên lý thuyết, các trại lao giáo, là nơi mà nhà cầm quyền dùng để giam giữ người dân trong nhiều năm mà không cần thông qua các thủ tục tư pháp.
Tuy nhiên, phần lớn của văn kiện dày 154 trang nói về Trung Quốc là có tính chất tiêu cực, trong đó nêu bật những vấn đề nhân quyền mà trong nhiều năm qua là một nguồn gây xích mích giữa hai nền kinh tế lớn thế giới.
Trong bản phúc trình trả đũa được công bố hôm thứ 6, Trung Quốc nói rằng “Hoa Kỳ đã giấu diếm một cách cẩn thận và né tránh việc đề cập tới những vấn đề nhân quyền của chính mình.”
Phúc trình của Bắc Kinh đã đề cập tới những vụ tử vong của thường dân trong những vụ không kích của máy bay không người lái của Mỹ ở nước ngoài, tình trạng bạo động súng ống lan tràn trong nước, và “tình hình thất nghiệp nghiêm trọng.”
Tại cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tần Cương nói rằng chỉ có người dân Trung Quốc mới ở vào vị thế tốt nhất để phán xét về tình hình nhân quyền của Trung Quốc. Ông Tần nói thêm như sau.
“Ngày hôm nay Phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một bạch thư về tình trạng nhân quyền của Mỹ để cho mọi người trên thế giới thấy rõ vấn đề là phải chăng Hoa Kỳ, một nước muốn làm thầy người khác về vấn đề nhân quyền, có đủ tư cách để làm thầy hay không.”
Trung Quốc không công bố phúc trình nhân quyền nhắm vào các nước khác, nhưng đã làm như vậy đối với Hoa Kỳ trong suốt 15 năm nay.
Ông Trình Lập, giáo sư chính trị học của Đại học Thành phố Hồng Kông, nói rằng phúc trình của Bắc Kinh có mục đích phanh phui điều mà họ cho là tiêu chuẩn đôi của Washington. Ông nói:
“Đương nhiên là Trung Quốc muốn chứng tỏ là Hoa Kỳ không phải một người phê bình đáng tin cậy, tự bản thân nước Mỹ cũng có những vấn đề về nhân quyền và không có đủ tư cách để chỉ trích tình hình nhân quyền của những nước như Trung Quốc.”
Tuy nhiên, theo giáo sư Trình Lập, Bắc Kinh gặp phải một tình thế lưỡng nan khi lên tiếng phê phán Hoa Kỳ, vì chủ trương công khai của Trung Quốc là các nước không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
“Việc này đi ngược với chủ trương căn bản của Trung Quốc về chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc áp dụng chủ trương mới này, nếu Trung Quốc chấp nhận là việc giám sát nhau, phê phán nhau là chuẩn mực hành xử của cộng đồng quốc tế; thì đấy là một sự tiến bộ. Nghĩa là họ chấp nhận việc các nước trên thế giới theo dõi tình trạng nhân quyền của nhau.”
Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ là phải chăng Trung Quốc sẽ hoan nghênh một sự so sánh công khai với Hoa Kỳ về nhân quyền, vì làm như vậy rõ ràng là thừa nhận rằng tất cả các nước đều phải tuân hành những tiêu chuẩn phổ quát về nhân quyền.
Trung Quốc lâu nay vẫn lập luận rằng nước họ không thể bị buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền giống như các nước Tây phương bởi vì Trung Quốc vẫn còn là một nước đang phát triển.
Họ cũng bác bỏ những gợi ý của Hoa Kỳ và những nước khác là Trung Quốc nên có một chính phủ mà họ gọi là “chính phủ kiểu Tây phương.”
Theo VOA