Tinh Hoa

Hà Nội ô nhiễm ở mức ‘không đảm bảo’

“440. Nguy hiểm. Cảnh báo y tế: mọi người đều có thể bị tác động xấu nghiêm trọng hơn nữa cho sức khỏe, hãy tránh các hoạt động thể lực và các hoạt động ngoài trời.”

 

Đó là nội dung hiện trên bảng theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh hôm thứ Ba, 25/2/2014.

Sang đến hôm thứ Tư, chỉ số này đạt 512 vào đầu giờ sáng, rồi tăng tới 537 vào lúc 11 giờ trưa.

Nhiều người Trung Quốc nay có thói quen kiểm tra chỉ số AQI trên điện thoại di động thay vì nhìn qua cửa sổ để biết được mức độ ô nhiễm không khí trong ngày. Cứ dưới 100 điểm là người ta có thể thở phào nhẹ nhõm, còn nếu cao hơn, thì ô nhiễm sẽ là chủ đề chính được bàn tới trong ngày.

Hôm thứ Sáu và thứ Bảy tuần trước, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có bầu không khí ở mức trên 400, là mức gây quan ngại nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài cho tới tận những hôm sau.

Hôm thứ Sáu, Bắc Kinh đã phải nâng cảnh báo ô nhiễm không khí lên mức cao thứ nhì, cũng là mức báo động nghiêm trọng nhất mà nước này từng áp dụng.

Độ ô nhiễm khói bụi dày đặc tới mức có thể so sánh với một mùa đông hạt nhân, các khoa học gia Trung Quốc nói.

Người ta dự đoán rằng nếu có đủ bom hạt nhân được kích hoạt cùng lúc, thì các phân tử bắn vào không khí sẽ nhiều tới mức mặt trời bị che hết, khiến khí hậu thay đổi dẫn tới việc hư hại nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm.

Đây là tiến trình đang diễn ra tại thủ đô của Trung Quốc và sáu tỉnh phía nam của nước này, báo Daily Mail của Anh dẫn lời He Dongxian từ Trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.

Theo mức đánh giá chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI), thì mức độ sạch của không khí trong khoảng 150-200 điểm đã bị coi là không đảm bảo trong lành và mọi người đã bắt đầu có thể bị tác động của bầu không khí ô nhiễm.

Theo cách tính điểm này, khi chỉ số AQI tại một nơi rơi vào mức 201-300, thì tình thế được coi là cấp bách, rất không lành mạnh và có tác hại tới toàn bộ dân chúng, và trên đó là mức nguy hiểm.

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam

Tuy không trầm trọng như ở Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng có hai thành phố được coi là thuộc nhóm có độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong ngày 26/2, chỉ số AQI tại Hà Nội đo được là 152, và lên tới 156 vào lúc 18.00 hôm 27/2.

Chỉ số AQI tại Hà Nội chiều 27/2 ở mức ‘không đảm bảo an toàn cho sức khỏe’

 

Trong một cuộc hội thảo về cải tạo chất lượng không khí và giao thông đô thị tổ chức tại Hà Nội hồi năm ngoái, các chuyên gia từng đánh giá thành phố này có mức ô nhiễm không khí cao nhất Đông Nam Á.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Jacques Moussafir, Cty ARIA Technologies (Pháp), chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng, nói: “Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á và chắc chắc là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á.”

Một kết quả nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos hồi đầu năm 2012 thậm chí còn xếp Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp, gây tác hại nhất đến sức khỏe con người trên thế giới.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đa phần tập trung tại các thành phố, các trung tâm công nghiệp lớn và các trục đường giao thông quan trọng.

Các nơi khác vẫn duy trì được chất lượng không khí an toàn.

Chẳng hạn chỉ số AQI tại Nha Trang đo được trong ngày 27/2 là 61, tức ở mức chấp nhận được tuy vẫn chút ít gây quan ngại cho những đối tượng cực kỳ nhạy cảm với nạn ô nhiễm không khí, vốn chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong dân chúng.

Mức không khí lý tưởng là từ 0 đến 50 điểm, là mức được coi như không gây ra rủi ro gì cho sức khỏe con người. Một số thành phố lớn trên thế giới như New York và London là những nơi thường xuyên đạt được mức điểm này.
Theo BBC