Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện nguồn gốc chính xác của các khối đá xanh tại Stonehenge (Anh).
Kết cấu của những khối đá này cho thấy chúng được lấy từ một vỉa đá lộ thiên nằm cách khoảng 3 cây số so với nơi được cho là xuất xứ của chúng từ gần một thế kỷ trước. Phát hiện này có thể giúp các nhà khảo cổ học lý giải bí ẩn về sự xuất hiện của những khối đá xanh ở Stonehenge.
Nghiên cứu này “đã xác định nguồn gốc chính xác của các khối đá và chỉ ra các khu vực mà các nhà khảo cổ học có thể tìm thấy bằng chứng về tính nhân tạo của chúng,” theo nhà địa chất học và đồng tác giả nghiên cứu Richard Bevins thuộc Bảo tàng Quốc gia xứ Wales.
Những khối cự thạch đầu tiên tại Stonehenge được dựng lên từ 5.000 năm trước và những nền văn hóa đã mất tiếp tục đóng góp vào quần thể cự thạch này trong suốt một thiên niên kỷ. Quần thể bao gồm những khối sa thạch khổng lồ nặng khoảng 30 tấn cùng những khối đá xanh nhỏ hơn.
Nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thuyết. Năm 1923, nhà địa chất học Herbert H. Thomas đã chỉ ra nguồn gốc của đá xanh dolerite ở đây là từ một vỉa đá lộ thiên có tên Carn Meini ở vùng cao nguyên đồi Preseli phía Tây xứ Wales. Ông tin rằng các loại đá xanh khác cũng tới từ gần đó. Điều này đặt ra giả thuyết rằng những người xây dựng Stonehenge đã chuyển đá về phương Nam qua kênh Bristol rồi đưa chúng vượt biển tới đây.
Nhưng vài năm trước, Bevins và các cộng sự đã khám phá ra một số loại đá xanh có nguồn gốc từ một nơi khác có độ cao thấp hơn so với mặt biển tên là Craig Rhos. Nếu điều này là đúng cũng có nghĩa là những người xây Stonehenge đã chuyển đá vượt đồi trước khi chuyển lên thuyền vượt biển. Một giả thuyết khác lại cho rằng các dòng sông băng đã mang những tảng đá xanh tới Stonehenge trong kỷ băng hà cuối cùng.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học tập trung vào các chất khoáng như crom, niken, oxit magie và oxit sắt, những chất tham gia vào cấu trúc kết tinh. Họ phát hiện ra ít nhất 55% đá xanh dolerite tới từ Carn Goedog, một nơi xa hơn về phía bắc so với địa điểm Thomas đề cập năm 1923, và cách Stonehenge khoảng 225km. Theo đó, giả thuyết chuyển đá qua biển trở nên không chắc chắn.
Phát hiện mới này lại làm dấy lên nhiều câu hỏi hơn về việc làm thế nào mà những khối đá lại xuất hiện ở Stonehenge. Tuy nhiên việc tìm ra nguồn gốc chính xác của những tảng đá sẽ giúp các nhà khảo cổ tìm được bằng chứng về sự có mặt của con người thời xưa ở gần đó, cũng như hé lộ cách vận chuyển đá.
“Ví dụ, nếu chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng những tảng đá đã qua bàn tay xử lý của con người thời kỳ đồ đá mới, thì giả thuyết về những dòng sông băng sẽ bị bẻ gãy,” Bevins cho hay./.
Theo Vietnam+