Nhiều nhà khoa học tỏ ý lo ngại các thí nghiệm cấy ghép mô và gen của người cho các loài động vật sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Các chuyên gia cho rằng việc tạo ra những con khỉ quá thông minh sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Ảnh minh họa.
Các nhà khoa học Anh rất lo lắng trước những thí nghiệm mà các đồng nghiệp của họ thực hiện trên động vật. Trong những thí nghiệm của mình, nhiều nhà nghiên cứu đã cấy ghép cho “người anh em gần gũi” với mình các mô và gen lấy từ người. Kết quả có thể “nhân hoá” (humanizing) động vật theo chiều hướng nguy hiểm, biến chúng thành những sinh vật có trí tuệ, thậm chí chúng còn có thể biết nói nữa. Vì vậy, theo họ cần phải xem xét lại các điều luật về đạo đức sinh học và pháp lý, quy định giới hạn của những thí nghiệm.
Nhà di truyền học, giáo sư Martin Bobroy, trường Đại học Cambridge (Anh) nói: “Chúng ta phải đưa ra tòa, xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm luật, làm những việc luật chưa cho phép”.
Viện Hàn lâm y học Anh rất quan ngại những vấn đề này và thông báo số lượng các thí nghiệm, dùng mô và gen người cấy cho súc vật tăng lên một cách đáng sợ.
Năm 2010 có trên 1 triệu thí nghiệm cấy ADN của người lên chuột và cá. Những phòng thí nghiệm này nói rằng họ phải gây đột biến gen để tìm ra những loại thuốc chống ung thư, viêm gan, đột quỵ, bệnh Alzheimer và các bệnh khác cũng như để tìm hiểu vai trò của từng gen riêng biệt tác động như thế nào đến sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên những người đang tiến hành những thí nghiệm này bất chấp những vấn đề đạo đức và pháp lý.
Giáo sư Bobroy lên án mạnh mẽ những việc làm đó và ông để nghị chính phủ Anh nên thành lập một tổ chức có thẩm quyền để kiểm tra những thí nghiệm như vậy.
Theo ông, tổ chức ấy nhất thiết phải cấm những thí nghiệm đại loại như cấy ghép tế bào gốc của người vào não của các loài linh trưởng vì điều đó có thể dẫn tới “nhân hoá” những con khỉ. “Khi bộ não của nó trở nên giống như bộ não người, con vật có thể hình thành những bộ phận tiền thân của trí tuệ, thậm chí có thể biết nói”, giáo sư Bobroy cho hay.