Tinh Hoa

Việt Nam ‘chỉ còn 30 cá thể hổ’

Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF) ước tính ở Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 30 con hổ sống trong môi trường hoang dã trong tổng số 3.200 con trên toàn thế giới.

Nhu cầu cao hổ cốt đã làm số lượng hổ tự nhiên ở Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng

Cũng theo WWF, số lượng hổ hoang dã ở Việt Nam đã giảm từ 100 con trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Tính trên toàn thế giới thì số lượng hổ đã giảm đến 97% kể từ năm 1900.

Lý do chính dẫn đến sự sụt giảm của loài hổ là tình trạng phá rừng, theo ông Đỗ Quang Tùng, phó Giám đốc của tổ chức Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật nguy cấp.

Bên cạnh đó, dân số tăng, cũng như nạn săn bắt và mua bán trái phép cũng làm gia tăng áp lực lên loài hổ.

Nick Cox, một chuyên gia cao cấp của WWF về khu vực và các loài cần được bảo vệ, nói Việt Nam là đầu mối mua bán các sản phẩm liên quan đến hổ và các sản phẩm cao hổ cốt ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.

“Điều rất quan trọng vào lúc này là phải chấm dứt tình trạng buôn bán hổ trái phép trên thị trường quốc tế cũng như tình trạng tiêu thụ hổ trong nước (ở Việt Nam),” ông Cox nói.

Keshav Varma, Giám đốc chương trình của Sáng kiến hổ toàn cầu, nói rằng nhu cầu liên tục các bộ phận cơ thể hổ và tình trạng vận chuyển trái phép các sản phẩm liên quan đến hổ gia tăng là điều không thể chấp nhận được.

Ông nói rằng nếu những vấn đề này vẫn tiếp diễn thì những con hổ cuối cùng ở bán đảo Đông Dương cũng sẽ biến mất trong vài năm nữa.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, phó Cục trưởng Cục bảo tồn đa dạng sinh học trực thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường, nói Việt Nam tham gia vào diễn đàn Sáng kiến hổ toàn cầu với mục đích bảo vệ loài hổ trong môi trường hoang dã.

Bà Nhàn nói tại Hội nghị thượng đỉnh về hổ vào tháng 11 năm ngoái ở St Petersburg, Việt Nam và 12 nước khác đã cam kết tuyên chiến với nạn săn trộm và mua bán hổ hoang dã trái phép.

Sừng tê giác chữa ung thư?

Sừng tê giác không có công dụng chữa bệnh như nhiều người Việt Nam vẫn tưởng

Trong một diễn biến khác, bà Alona Rivord, phát ngôn viên của WWF, đã chỉ đích danh Việt Nam là nguyên nhân khiến tình trạng săn trộm tê giác diễn ra ngày càng liều lĩnh ở công viên quốc gia Kruger ở Nam Phi.

“Nguyên nhân của tình trạng săn trộm (tê giác) đến mức khủng hoảng thời gian gần đây là sự gia tăng nhu cầu ở Việt Nam, nơi mà việc sử dụng sừng tê giác có vẻ như là một cách để chữa bệnh ung thư,” bà Rivord được hãng AFP dẫn lời nói.

Theo các chuyên gia y tế quốc tế, thành phần chính của sừng tê giác là keratin, cũng giống như móng tay người, và chất này không hề có bất cứ công dụng chữa bệnh nào.

Trung Quốc đã tuyên bố sử dụng sừng tê giác trong bào chế thuốc là vi phạm pháp luật, nhưng trên thực tế việc thực thi quy định này còn lỏng lẻo, theo các nhà hoạt động bảo tồn.

Theo Hiệp hội Bảo tồn tự nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature), loài tê giác đen hiện đang bị đe dọa rất nghiêm trọng với chỉ còn chưa tới 5.000 cá thể trên toàn thế giới.

Một tay săn trộm tê giác người Thái mới bị phát hiện đã khai với các nhà điều tra rằng mỗi kg sừng tê giác bán được đến 55.000 đôla Mỹ.

Nhà chức trách Nam Phi đã triển khai quân đội đến công viên quốc gia Kruger khu vực gần biên giới với Mozambique để đối phó với bọn săn lậu được trang bị kính nhìn xuyên đêm, súng AK-47, súng trường, đôi khi có cả mìn, và sẵn sàng nổ súng nếu bị phát hiện.

Từ đầu năm đến nay, 15 tên săn trộm đã bị tiêu diệt, trong khi 9 tên khác bị thương và 64 tên nữa đã bị bắt trong chiến dịch tăng cường quân đội để bảo vệ tê giác của Chính phủ Nam Phi.

Những nỗ lực này đã đem lại kết quả. Số tê giác bị sát hại đã giảm từ 40 trong tháng Ba xuống 30 trong tháng Tư, 15 con trong tháng Năm và chỉ hai con tê giác bị giết trong tháng Sáu.

Theo BBC