Tinh Hoa

Trung Quốc hủy nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho biết Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu của Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc vừa ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot” do Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu từng đăng ký. Đây là kết quả đáng mừng sau gần một năm phía Việt Nam nộp đơn yêu cầu hủy.

  

Phòng này cho rằng “Buon Ma Thuot” là tên địa danh ở Việt Nam, là một nơi quan trọng để trồng cà phê. Tên địa danh này đã được đăng ký và bảo hộ là tên gọi xuất xứ hàng hóa ở Việt Nam. Thông qua quảng cáo và thông tin đại chúng, cà phê “Buon Ma Thuot” có danh tiếng nhất định đối với công chúng Trung Quốc như là một khu vực chính sản xuất cà phê. Do đó, nhãn hiệu này không phù hợp sử dụng độc quyền cho sản phẩm cà phê của Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu, vì dễ dàng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm. Với nhiều lập luận trên, phòng này quyết định hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot” do Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu từng đăng ký.

Được biết, công ty này từng nộp đơn xin độc quyền nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cho mặt hàng cà phê, đồ uống từ năm 2009 và được cấp bằng vào năm 2010. Đến tháng 3-2012, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thông qua các đơn vị luật về sở hữu trí tuệ, đã nộp đơn yêu cầu hủy nhãn hiệu Buôn Ma Thuột này.

Theo trình tự, các bên vẫn có quyền khiếu kiện tại Tòa án Trung gian Sơ thẩm Bắc Kinh nếu không đồng ý với phán quyết trên. Ngoài yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu mà Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu đăng ký, phía Việt Nam cũng có yêu cầu công nhận cà phê Buôn Ma Thuột như chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, phòng này cho rằng các bằng chứng mà phía Việt Nam đưa ra chưa đủ để chứng tỏ rằng tên này nổi tiếng rộng khắp đối với công chúng ở Trung Quốc. Đồng thời, cũng không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được bảo hộ như chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc. Do đó, phòng này không ủng hộ việc công nhận chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho phía Việt Nam.   Theo Quỳnh Như Pháp Luật TPHCM 

 

Nguồn: Dân Trí