Báo chí ở Hong Kong đang bị kiểm duyệt từ Bắc Kinh và các ông chủ truyền thông mất dần vị trí của họ trên thương trường Trung Quốc, theo một nguồn tin nội bộ.
Mặc dù có nền báo chí tự do hơn so với Trung Hoa đại lục, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng báo chí Hong Kong bị đe dọa vì các bài viết Đảng Cộng sản không hài lòng và tác động xấu đến truyền thông đại lục.
Hai báo cáo tuần này đã nhấn mạnh rằng công tác truyền thông ngày càng bị kiểm duyệt gắt gao kể từ thời điểm 17 năm trước, khi chính quyền Anh trả Hong Kong lại cho Trung Quốc theo một thỏa thuận yêu cầu đảm bảo tính độc lập truyền thông và các quyền khác trong vòng nửa thế kỉ.
Ủy ban Bảo vệ nhà báo New York (CPJ) hôm 12.2 cho biết tự do báo chí ở Hong Kong đang “ở mức thấp”, bằng chứng là việc kiểm duyệt các phóng viên, đe dọa tài chính và vật chất giới truyền thông và các điều luật cản trở việc tác nghiệp.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tại Paris cho rằng các phương tiện truyền thông độc lập ở Hong Kong đang bị cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới siết chặt kiểm soát.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tạo áp lực lên chính quyền lẫn truyền thông Hong Kong, ảnh hưởng đến tính đa nguyên của truyền thông nơi đó”, theo nội dung buổi công bố chỉ số tự do báo chí thường niên.
Vai trò người quan sát bị đe dọa
Theo thỏa thuận giữa Bắc Kinh và London vào năm 1997, thành phố có 7 triệu dân được đảm bảo quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, một loạt các sự kiện vừa qua đã dấy lên quan ngại khi Li Wei-ling, một người dẫn chương trình nổi tiếng với các lời phê bình chỉ trích của cô về Bắc Kinh, bị sa thải khỏiCommercial Radio hôm 12.2. Hiện vẫn chưa có bất cứ lý do nào được đưa ra.
Tháng 1.2014, tổng biên tập của tờ Minh Báo bị thay thế bằng một biên tập viên ủng hộ Bắc Kinh đến từ Malaysia, dấy lên sự phản đối của tập thể nhân viên tòa soạn lo ngại hành động trên là nỗ lực kiềm hãm hoạt động điều tra báo cáo.
Cùng tháng đó, một tờ báo tự do, AM730, cho biết quảng cáo của mình đã bị cắt khỏi một số tổ chức liên kết với Trung Quốc.
Báo cáo của CPJ cho biết hơn một nửa số ông chủ truyền thông Hong Kong đã được bổ nhiệm vào các vị trí trong hội đồng chính trị Trung Quốc, khiến họ không dám chọc giận Bắc Kinh.
Phương tiện truyền thông ở cả Hong Kong và Đài Loan “đã cung cấp một góc nhìn toàn diện, đầy đủ về Trung Quốc, lấp những lỗ hỗng mà báo chí đại lục bị cấm khai thác”, báo cáo cho biết thêm.
Các nhóm nhà báo Hong Kong đã kêu gọi chính quyền bảo vệ truyền thông của thành phố
Trung Quốc “e ngại sức lan tỏa của Hong Kong”
Vào tháng Mười, hàng chục ngàn người phản đối bác bỏ của chính quyền về việc từ chối cấp giấy phép thành lập cho một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình miễn phí. Theo những người biểu tình, quyết định trên được thực hiện theo lệnh của Bắc Kinh.
Trong khi đó, lòng tin của công chúng vào truyền thông thành phố đang sụt giảm. Một nghiên cứu bởi Đại học Hong Kong, phỏng vấn 1000 người vào tháng Mười vừa qua cho thấy có một nửa số người trả lời cho nói rằng truyền thông đang phải tự kiểm duyệt.
Nhà lập pháp Hong Kong Claudia Mo cho biết mục đích của Bắc Kinh là không để nền tự do báo chí “xâm phạm” vào phần lãnh thổ đất liền.
“Hong Kong là lối thoát duy nhất,” một cựu phóng viên nói với AFP. “Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt tư tưởng như vậy là để tránh tác động từ Hong Kong.”
Mo cũng nói rằng các nhà báo địa phương đang phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn giữa việc đấu tranh chống lại sự tự kiểm duyệt và cuộc sống của họ.
“Suy cho cùng, đó cũng chỉ là một công việc. Nhà báo có thể cứng rắn đến đâu khi đó là vấn đề áp lực chính trị? Đừng mong đợi ai cũng là anh hùng,” Mo nói.
KHÁNH PHONG (theo France 24/Motthegioi)