Tinh Hoa

Báo TQ nói Thủ tướng Nhật ‘diễn hề’

Một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bằng những lời lẽ nặng nề một cách bất thường.

Bài báo gay gắt đáp trả việc ông Abe gọi TQ ‘dùng lý lẽ của những kẻ bất lương’ 
 

Hôm thứ Ba 11/02, báo Trung Quốc trách lãnh đạo cấp cao của Nhật đã so sánh căng thẳng giữa hai quốc gia với quan hệ Anh – Đức trước Thế chiến I.

Bài thể hiện quan điểm biên tập trên Nhân dân Nhật báo có đoạn viết: “Việc ông Abe đưa ra sự thật méo mó và trắng trợn về Trung Quốc dùng logic của những kẻ bất lương là minh chứng cho việc Nhật Bản từ chối công nhận lịch sử xâm lăng đen tối, bành trướng lãnh thổi và đóng chiếm thuộc địa thời đế quốc.”

“Ông Abe đã sai, nhưng ông ta dẫn chiếu lập luận từ thời trước Thế chiến I như một người bị bỏ đói và không biết lựa đồ ăn cho mình,” bài báo viết.

“Trò tung hứng của các chính trị gia Nhật Bản như trò hề thỉnh thoảng lại xuất hiện trên sân khấu lịch sử,” hãng tin Reuters dẫn nguồn China Daily.

“…Nếu Nhật Bản từ chối bước ra khỏi vòng tròn ma giáo mà họ đã tự vẽ ra và bướng bỉnh định nghĩa công lý quốc tế bằng những ảo tưởng lịch sử, chúng tôi sẽ chăm sóc họ tới cùng,”

“Tuy nhiên, nếu sự việc phải xảy ra theo cách này, kết thúc của nó sẽ gây thảm cảnh ghê sợ cho toàn nước Nhật.”

Bài viết gay gắt này sau đó được Tân Hoa xã đăng lại bằng tiếng Anh, và đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền muốn phổ biến nó tới độc giả quốc tế, theo Reuters.

‘Khả năng xung đột’

Trung Quốc và Nhật căng thẳng do cách nhìn chiến tranh và tranh chấp biển đảo

Trong một cuộc họp giữa các quốc gia châu Á với báo giới ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hồi tháng trước, ông Abe được phóng viên hỏi về khả năng xảy ra xung đột giữa Nhật Bản với Trung Quốc.

Lúc đó nhiều báo dẫn lời Thủ tướng Nhật so sánh quan hệ Trung – Nhật với quan hệ Anh – Đức vào đêm trước khi xảy ra Thế chiến I, song bản ghi âm câu trả lời bằng tiếng Nhật cho thấy người phiên địch có lẽ dã dịch thiếu, theo Reuters.

Hãng thông tấn AFP dịch chính xác từ tiếng Nhật lời ông Abe: “Năm nay đánh dấu 100 năm kể từ Thế chiến I. Lúc đó Anh và Đức có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, nhưng họ đã tham chiến. Tôi nhắc tới thông tin về lịch sử này như là một cách để thêm vào bình luận.”

“Nếu điều như anh/chị vừa nói xảy ra, nó sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới cả Nhật Bản và Trung Quốc, và cũng gây thiệt hại lớn tới thế giới. Chúng ta phải đảm bảo sao cho điều này không xảy ra.”

Hồi đầu tháng Hai, khi nói về an ninh toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cho rằng “châu Á đang ở vào tình thế giống như thế kỷ 19 và không loại trừ được khả năng có xung đột quân sự”.

Ông nói rằng với thế giới bên ngoài, điều quan trọng là làm sao không để Nhật Bản hay Trung Quốc bị “lôi kéo vào khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề”.

Trước ông Kissinger, bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao hiện là chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc phát biểu tại Munich rằng “quan hệ với Nhật Bản là tồi tệ nhất từ trước tới nay”.

Nhật Bản và Trung Quốc vốn vẫn đang lời qua tiếng lại do tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và các vấn đề từ thời chiến.

Hôm 05/02, Một thành viên Hội đồng quản trị của hãng phát thanh-truyền hình NHK, Nhật Bản, tuyên bố Thảm sát Nam Kinh là sự bịa đặt gây nhiều tranh cãi.

Trước đó vài ngày, tân giám đốc của NHK, Katsuto Momii, nói việc Nhật dùng nô lệ tình dục trong Thế chiến Hai là chuyện bình thường cho các nước tham chiến.

“Những phụ nữ đó có thể được thấy ở bất kỳ nước nào tham chiến như Pháp và Đức.”

Nhưng ông Momii sau đó phải xin lỗi: “Thật không phải khi tôi có những bình luận ở những nơi như thế.”

Trung Quốc nói có thể có đến 300.000 người dân và lính thiệt mạng ở Nam Kinh trong mùa đông 1937-38 sau khi quân Nhật vào thành phố.

Theo BBC