Tiếc nuối

Với tiêu đề “Game over for Flappy Bird”, hãng tin AP cho biết, chàng trai Nguyễn Hà Đông, 29 tuổi, đến từ Hà Nội, viết trên Twitter hôm 8.2 rằng, áp lực từ Flappy Bird đã “hủy hoại cuộc sống đơn giản” của anh, và giờ đây anh ghét nó.

Hãng tin CNN tỏ ra tiếc nuối khi viết, trò chơi gây nghiện làm mưa gió trên App Store và Google Play, đã biến mất khỏi các ứng dụng này. Nguyễn Hà Đông tuần trước từ chối trả lời phỏng vấn của CNN, và gần như giữ im lặng hoàn toàn trước thành công bất ngờ của trò chơi. 

CNN dẫn lại những lời tweet của Đông rằng, anh sẽ không bán Flappy Bird và sẽ tiếp tục làm game. “Không có bất kỳ điều gì liên quan đến những vấn đề pháp lý. Đơn giản là tôi không thể tiếp tục được nữa” – CNN dẫn đăng tải của Đông trên Twitter.

Trong khi đó, hãng tin ABC News cho biết, dường như Nguyễn Hà Đông không thể hình dung rằng, trò chơi của mình lại có thể thành công ngoài mong đợi đến thế. Trả lời phỏng vấn với tờ The Verge tuần trước, Đông cho biết, nhờ Flappy Bird mà anh thu về trung bình mỗi ngày 50.000 USD từ tiền quảng cáo. 

Trên trang blog Chocolate Lab Apps, tác giả Elaine Heney cho rằng, “sự thành công của Flappy Bird bất chấp logic, nó đã làm say đắm cả thế giới. Tác giả Nguyễn Hà Đông đang trở thành một huyền thoại truyền cảm hứng cho các nhà phát triển ứng dụng trên toàn cầu”.

Phân tích nguyên nhân

Nhiều hãng thông tấn và trang tin công nghệ đi sâu phân tích những nguyên nhân dẫn đến quyết định gỡ bỏ trò chơi của Đông. Trang IBN Live viết, nhiều người đã đặt câu hỏi với Đông trên Twitter về quyết định này, song không thể liên hệ với anh. Đông tắt điện thoại sau khi hủy cuộc hẹn trả lời phỏng vấn với hãng Reuters hôm 5.2, cũng như không thể sắp xếp được cuộc hẹn khác một ngày sau đó. 

Theo Reuters, một số người cho rằng việc gỡ bỏ trò chơi chỉ là tạm thời, và là ý đồ marketing tương tự như Disney Vault (két an toàn của Disney). Với chính sách ngừng phát hành băng đĩa phim hoạt hình do Walt Disney sản xuất, mỗi bộ phim của Disney chỉ cho phép đặt mua trong một khoảng thời gian hạn chế. Sau khoảng thời gian đó, phim được đưa “vào trong két” và không có sẵn trên các gian hàng trong khoảng vài năm, cho tới khi nó được phát hành lại.

Hai người bạn của Đông nói với Reuters, hãng sản xuất game Nitendo của Nhật Bản gửi một cho Đông một bức thư cảnh báo trước những thông tin cho rằng, Flappy Bird nhái game của hãng này. Mặc dù Nitendo tuyên bố không xem xét kiện, song đây có thể là lý do khiến Đông từ bỏ Flappy Bird cùng món lợi hơn 50.000 USD mỗi ngày. 

Trong khi đó, trả lời tờ Telegraph vào tuần trước, Đông khẳng định: “Tôi tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người. Nhưng nếu tôi làm nhái game, liệu Apple có để cho trò chơi này sống được nhiều tháng hay không?”.

Hãng tin News của Australia cho hay, một trong những lý do khiến Đông “khai tử” Flappy Bird là do anh không chịu được áp lực chỉ trích. Hãng tin phân tích, thử tượng tượng nếu đột nhiên qua một đêm, bạn nhận được đầy một hộp thư toàn những lời chỉ trích, bạn sẽ cảm thấy thế nào. Đó chính là những gì đang xảy ra với Đông.

News còn cho hay, nguyên nhân Đông từ bỏ Flappy Bird có thể xuất phát từ chính người chơi. “Anh ấy không muốn mọi người phát điên với game này, quá lạm dụng và dẫn đến nghiện. Có lẽ, Đông không muốn có thêm một Candy Crush tung hoành trên các thiết bị cầm tay”.