Italy mới đây tuyên bố sẽ tham gia các đợt không kích của liên quân NATO tại Libya. Nhưng tròn 100 năm trước, người Italy đã khai sinh ra nghệ thuật tác chiến bằng không quân ngay trên chính đất Libya ngày nay.
Gavitto ở vị trí điều khiển chiếc máy bay hai tầng Harman tại Rome năm 1910. Ảnh: BBC |
Trong cuộc chiến vào tháng 11/1911 giữa Italy và các lực lượng trung thành với đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), trung úy phi công người Italy Giulio Gavotti viết một lá thư cho cha với nội dung: “Hôm nay, con quyết định thử ném bom từ máy bay. Đây là lần đầu tiên quân đội của chúng ta làm điều này và nếu thành công, con sẽ thật sự vui sướng được trở thành người đầu tiên.”
Không lâu sau đó, Gavotti đã ném những quả bom từ chiếc phi cơ mỏng manh của ông vào quân đội đối phương, khi ấy đang tập trung tại một ốc đảo trên sa mạc thuộc đất Libya ngày nay, khi đó thuộc đế chế Ottaman. Sự kiện này đã khai sinh nghệ thuật chiến tranh không kích đầu tiên trong lịch sử loài người.
BBC đã thu thập được những lá thư mà Gavotti gửi về quê hương từ vùng đất Libya đúng 100 năm trước, từ đó biết được những suy nghĩ của viên trung úy ở khoảnh khắc mà ông ghi tên mình vào lịch sử.
Khi đó, Italy vẫn còn là một quốc gia mới mẻ bởi mới được thống nhất chưa đầy nửa thế kỷ trước. Quốc gia Nam Âu tràn đầy mạnh mẽ và khao khát chinh phục này coi những phần đang dần tách rời của đế quốc Ottoman như một miếng mồi ngon, bao gồm cả phần lãnh thổ thuộc Libya ngày nay.
Bom để trong túi áo
Khi cuộc chiến bùng phát dữ dội, trung úy Gavotti nhận lệnh đưa một số máy bay lên một con thuyền và nhằm thẳng hướng Bắc Phi. Ban đầu, ông tưởng rằng sẽ chỉ tham gia các chuyến bay với nhiệm vụ trinh sát ở đó, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng quân đội Italy cần nhiều hơn thế ở mình.
Gavitto thực hiện cuộc không kích đầu tiên trong lịch sử loài người từ chiếc máy bay một lớp cánh Taube (Dove), được thiết kế bởi một người Áo có tên Igo Etrich. Ảnh: BBC |
“Hôm nay, hai thùng chứa đầy bom đã được đưa tới. Chúng con hi vọng có thể thả những quả bom này vào đối phương từ trên máy bay. Rất lạ là không ai trong số chúng con được nói cho nghe về điều này và cũng chẳng ai nhận được bất cứ chỉ dẫn nào từ các chỉ huy. Bởi vậy, chúng con sẽ mang những quả bom lên khoang máy bay với sự thận trọng tối đa”, lá thư Gavotti gửi cho người cha ở Naples, Italy, có đoạn.
Với việc đưa các chiến đấu cơ ra tiền tuyến, người Italy đã có một động thái hoàn toàn mới mẻ trong cuộc chiến. Mới chỉ 8 năm trước đó, anh em nhà Wright ở Mỹ tình nguyện thực hiện chuyến bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại với quãng đường bay ngắn. Việc con người có thể bay trên không trung đó vẫn còn trong thời kỳ sơ khai.
Gavotti chỉ còn biết chia sẻ sự háo hức trong bức thư gửi cho cha: “Ngay khi thời tiết thuận lợi, con sẽ tới căn cứ để lấy chiếc máy bay của con ra. Gần chỗ ghế ngồi, con đã gắn một cái vali bằng da có đệm lót ở bên trong, rồi cẩn thận đặt 3 quả bom nhỏ, có hình tròn và nặng khoảng một cân rưỡi trong đó. Ngoài ra, còn có một quả khác nằm trong túi trước trên áo khoác của con.”
Lịch sử chiến tranh trên không |
12/1903: Anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên của con người tại Kitty Hawk, North Carolina. 4/1909: Wilbur Wright thao diễn chiếc máy bay hai tầng Flyer của ông gần Rome và huấn luyện một phi công Italy. 1/1910: Quân đội Mỹ tập luyện ném bom trên không, bằng việc sử dụng các bao cát như những quả bom giả. 15/10/1911: 9 máy bay thuộc tiểu đoàn đặc biệt của Italy và 11 phi công hạ cánh tại Libya. 1/11/1911: Trung úy Gavotti ném 4 quả bom nặng 1,5 kg tại Ain Zara, với động tác rút chốt an toàn bằng răng. 4/3/1912: Gavotti thành công trong nhiệm vụ bay đêm đầu tiên. |
Gavotti cùng chiếc phi cơ của ông bay vút lên bầu trời và nhằm thẳng hướng thành phố Ain Zara. Ngày nay, nơi này là một thành phố ở phía đông của thủ đô Tripoli, Libya, nhưng khi đó nó được Gavotti mô tả chỉ như một ốc đảo nhỏ trên sa mạc.
Viên trung úy hi vọng có thể tìm thấy các chiến binh Ảrập và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, những lực lượng đã liên minh với nhau trong cuộc chiến chống lại sự xâm chiếm của Italy.
Được báo chí ngợi ca
Trong lá thư gửi cho cha mà mới đây đã được người cháu nội là Paolo de Vecchi chuyển cho BBC, Gavotti viết: “Sau một thoáng, con chú ý tới phần tối của ốc đảo. Bằng một tay, con nắm lấy bánh lái máy bay, rồi dùng tay còn lại lấy những quả bom và đặt vào trong lòng. Con đã sẵn sàng. Chỉ còn khoảng một cây số nữa là tới ốc đảo. Con có thể nhìn thấy những túp lều Ảrập rất rõ.
Con cầm một quả bom bằng tay phải, rút chốt an toàn rồi ném nó ra ngoài, tất nhiên là tránh để chạm vào cánh máy bay. Con có thể thấy nó bay trong không trung chừng vài giây trước khi biến mất. Và chỉ một lúc sau, con đã thấy một đám khói nhỏ màu đen giữa khu trại.
Cuộc không kích của Gavotti có thể không gây ra nhiều thiệt hại tại Ain Zara, nhưng nó đã mở ra bước ngoặt cho lịch sử quân sự hiện đại. Ảnh: BBC |
Mục tiêu đã bị đánh trúng! Con còn ném thêm hai quả bom nữa nhưng hiệu quả không bằng lần đầu tiên. Với quả bom cuối cùng, con quyết định giữ lại và ném vào một ốc đảo khác gần Tripoli. Con quay trở về căn cứ với niềm vui sướng vì kết quả đạt được và chạy thẳng tới báo cáo với Tướng Caneva. Tất cả đều hài lòng.”
Khi Gavotti trở về quê hương Italy, báo giới vốn rất hiếu chiến ở nước này khi đó chẳng bỏ lỡ giây nào để tâng công viên trung úy với sự thỏa mãn cao độ. Với quả bom nhỏ của mình, trung úy Gavotti có thể chỉ gây ra được những thương vong không đáng kể trong cuộc tấn công đơn lẻ vào ốc đảo nhỏ bé kể trên. Thế nhưng, ông đã lần đầu tiên chỉ ra khả năng con người có thể thực hiện những cuộc không kích.
Và rất nhiều phi công ném bom tiếp bước Gavotti sau này, những người tham gia chiến đấu tại những nơi như Guernica (Tây Ban Nha), Dresden (Đức) hay Hiroshima (Nhật Bản), đã lập được những chiến công lớn hơn rất nhiều so với chính những gì mà viên trung úy người Italy có thể hình dung.
Phan Lê