Khi chuyện mưu sinh trong nước trở nên khó khăn, nhiều người Việt xuất ngoại hoặc ở lại Campuchia hành nghề… bán vé số, bởi ở quốc gia láng giềng này, vé số vẫn còn là điều xa lạ.
Tác giả (phải) và anh Ba Tỷ, trưa mùng 5 tết ở Phnompenh
Vương quốc Campuchia, đến giờ này, vé số “sáng mua chiều trúng” như Việt Nam vẫn còn là chuyện lạ. Nắm bắt cơ hội kinh doanh này, nhiều công ty, đại lý vé số… đã qua thủ đô Phnompenh mở chi nhánh.
Kéo theo đó, tất nhiên không thể thiếu đội quân bán vé số dạo. Từ đó, nhiều người Việt đã “xuất ngoại” qua Phnompenh bán vé số Việt để phục vụ khách du lịch Việt Nam và những Việt kiều đang sinh sống tại đây.
Gặp anh Ba Tỷ, sinh năm 1962, tại một sảnh nhà hàng Phnompenh vào trưa mùng 5 Tết. Anh cho hay, trước đây anh là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp Camphuchia chống bọn diệt chủng Pol Pot.
Năm 1983, khi được phục viên, anh phải lòng một thiếu nữ Camphuchia nên quyết định ở lại xứ người lập nghiệp. Thời gian sau, anh chị lập gia đình và sinh được sáu người con, ba trai ba gái.
Chị bán bánh mì ở bến phà, còn anh để nuôi đàn con sáu đứa đang tuổi ăn tuổi lớn, không nghề gì mà không làm từ sửa xe, thợ hồ…
Cách đây vài năm, thấy thị trường Camphuchia chưa có vé số kiến thiết, nhiều công ty, đại lý vé số… ở Sài Gòn đã nhanh nhạy qua mở thị trường ở Phnompenh. Dĩ nhiên, họ cần một đội quân bán vé số dạo. Ba Tỷ đổi nghề qua bán vé số từ dạo đó.
“Mỗi tờ vé số có mệnh giá 10.000 đồng, đại lý bỏ cho tui giá 10.500 đồng, tui đi bán giá 12.500 đồng. Ai trúng nhỏ thì tui đổi luôn, trúng lớn thì ra đại lý ở Phnompenh, mất phí 1-2%. Thời gian đầu, ít người bán, mỗi ngày tui bán được 400-500 tờ, kiếm khoảng một triệu đồng mỗi ngày”, Ba Tỷ kể.
Sau này, thấy “ngon ăn”, nhiều người Việt Nam xuất ngoại qua Phnompenh để… bán vé số.
“Càng ngày, đội quân này càng đông nên làm ăn ngày càng khó khăn, giờ chỉ còn bán được 200-300 tờ mỗi ngày, trừ chi phí thuê nhà, ăn uống… còn dư chẳng bao nhiêu”, Ba Tỷ cho biết.
Ba Tỷ tâm sự:“Mỗi tháng tui về thăm vợ con một lần. Mưu sinh ngày càng khó khăn nên ba năm qua, dù quê tui ở Đồng Tháp, nhưng tui vẫn chưa có cơ hội về thăm quê. Chú nghĩ coi, tiếng là Việt kiều mà không lẽ về thăm quê không có đồng quà tấm bánh cho bà con thì coi sao đặng. Trong khi tui phải thuê nhà ở Phnompenh đi bán vé số, rồi phụ vợ nuôi bầy con sáu đứa thì làm gì có dư”.
Dù mưu sinh khó khăn, nhưng người Việt ở Camphuchia vẫn đùm bọc, yêu thương nhau và một lòng hướng về Tổ quốc.
“Mỗi khi gặp đồng bào ở xứ người, tui vui lắm…”, Ba Tỷ nói.
Nguồn: Dân Trí