Suốt hơn 2 tuần qua, game di động Flappy Bird của chàng lập trình viên 29 tuổi Nguyễn Hà Đông đã khiến cả thế giới “phát sốt” vì sức hấp dẫn đến từ sự đơn giản. Tuy nhiên, rắc rối liên tiếp ập đến với “cha đẻ” của trò chơi này và anh đã quyết định “khai tử” game đình đám.
Trao đổi với báo Dân trí, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch công ty truyền thông NBN Media, đánh giá rất cao game Flappy Bird: “Sự thành công của Flappy Bird còn nhiều điều phải tranh cãi nhưng rõ ràng người dùng đã có phản ứng và lan truyền tốt về game. Họ cho Flappy Bird 4,5 sao là mức cao nhất có thể đạt được. Game cũng được đến gần 30.000 đánh giá (review) là mức chỉ có các game hay nhất thế giới như Clash of Clan hoặc Hay Day đạt được”.
Nói về quyết định bất ngờ của Nguyễn Hà Đông vừa đưa ra sáng sớm nay cho hay “sẽ gỡ bỏ Flappy Bird ra khỏi gian hàng Apple Store và Google Play trong 22 giờ tới”, ông Ngọc cho rằng “cha đẻ” của trò chơi này không chia sẻ lý do nhưng theo phỏng đoán của ông, thoạt đầu Hà Đông viết game chỉ để thử nghiệm hoặc chơi, không hình dung được nó sẽ thành công vang dội đến thế, càng không nghĩ đến các hệ luỵ. Chàng lập trình viên trẻ tuổi này đang đối mặt với vô số vấn đề về bản quyền, về kỹ thuật marketing… đặt ra cùng lúc. Ông Ngọc cho rằng để giải quyết những rắc rối này cần rất nhiều chuyên gia hàng thế giới, nhiều tiền và thời gian, công sức. Vì vậy, viêc Hà Đông dẹp bỏ game này là quyết định thông minh vì anh có thể “mất trắng” từ trò chơi này nhưng tên tuổi của anh sẽ là một hiện tượng trên thế giới. Nhiều cơ hội khác sẽ đến với anh.
Chàng trai người Việt trước áp lực quá lớn từ dư luận cùng sự nổi tiếng không ngờ tới của mình đã gần như kín tiếng trước giới truyền thông. Tuy nhiên, trước sự săn đón của các tờ báo nổi tiếng trên thế giới, từForbes, CNN, Cnet, Bloomberg, The Verge…, Hà Đông đã phạm một sai lầm lớn nhất là đã tiết lộ thu nhập của game đạt 50.000 USD mỗi ngày với trang công nghệ The Verge. Ông Nguyễn Bá Ngọc cho rằng từ con số khủng khiến cả thế giới “thèm thuồng” đã lái câu chuyện sang hướng khác. Đó là những cáo buộc về vấn đề bản quyền cho rằng Đông “mượn” ý tưởng của nhiều người khác, từ các trò chơi kinh điển từ những năm 1980 với đồ hoạ đơn giản. Nhiều ý kiến còn cho rằng Đông đã sử dụng “tiểu xảo” để tăng thứ hạng của Flappy Bird trên Apple Store và Google Play. Ngoài ra, câu chuyện về sự thành công bất ngờ của chàng trai trẻ cùng với khoản thu nhập lớn đã đã bắt đầu được Tổng cục Thuế “để mắt” tới…
Trên trang Twitter của mình, Nguyễn Hà Đông chia sẻ:“Tôi có thể cho rằng Flappy Bird là thành công của mình, nhưng nó đang phá huỷ cuộc sống đời thường của tôi. Vì vậy tôi ghét trò chơi này”.
Ông Ngọc cho rằng Nguyễn Hà Đông có đủ bản lĩnh để vượt qua cú shock này. “Tôi vẫn cho đây là một thành công lớn, nhiều ý nghĩa với toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam và mọi người có thể tự đọc các bài học cũng như thông điệp qua vụ này. Có lẽ Đông vẫn nên im lặng, đọc có chọn lọc và thư giãn để chuẩn bị cho các dự án khác bài bản hơn”, ông Ngọc nói.
Xuất hiện trên kho ứng dụng App Store của Apple từ giữa tháng 5 năm ngoái, tuy nhiên phải đến đầu năm 2014, Flappy Bird mới thực sự tạo thành một “cơn sốt”, không chỉ trên App Store mà ngay cả trên kho ứng dụng Google Play của Android. Hà Đông cho biết anh chỉ mất 2 đến 3 ngày để hoàn tất trò chơi này và chỉ xây dựng trò chơi trong thời gian rảnh rỗi. Trong khi đó, anh kỳ vọng và dành nhiều công sức với hai trò chơi khác là game Super Ball Juggling và Shuriken Block đều đang nằm trong Top 10 ứng dụng download nhiều nhất trên Apple Store.
Khôi Linh
Nguồn: Dân Trí