Tinh Hoa

Thêm ca tử vong vì cúm gia cầm trong năm mới

Ngày 5/2, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam đã ghi nhận ca tử vong thứ hai trong năm 2014 vì chủng cúm gia cầm nguy hiểm.

Bệnh nhân thứ 2 tử vong vì chủng cúm gia cầm nguy hiểm A/H5N1 là một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở Đồng Tháp. Người phụ nữ khởi phát bệnh từ ngày 22/1 với triệu chứng sốt. Đến ngày 27/1, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện khó thở, nhập viện và điều trị tại BV Đa khoa tỉnh An Giang. Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn tiến nhanh, bệnh nhân suy hô hấp và tử vong sau một ngày điều trị. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này cũng đã được Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm, khẳng định dương tính với cúm A/H5N1.  

Cúm A/H5N1 đang quay trở lại, đe dọa sức khỏe người dân.

TS Trần Đắc Phu cho biết, qua điều tra dịch tễ ca bệnh cho thấy, bệnh nhân đã giết mổ vịt bị chết không rõ nguyên nhân. Tại khu vực sinh sống của gia đình bà cũng có gà, vịt bị ốm, chết.

Ngay sau khi xác định ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm y tế huyện Thanh Bình – nơi bệnh nhân sinh sống – đã điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, theo dõi người tiếp xúc, đến nay sau 14 ngày kể từ ngày khỏi phát không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Như vậy, đây là ca tử vong thứ 2 do cúm gia cầm A/H5N1 trong năm 2014. Trường hợp tử vong trước đó là một nam giới, 52 tuổi, trú tại Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Bệnh nhân này đã tử vong sau 8 ngày có dấu hiệu bệnh. Điều tra dịch tễ cũng phát hiện bệnh nhân có tiền sử giết mổ, ăn thịt vịt, gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh có hiện tượng gà ốm chết không rõ nguyên nhân.

Như vậy, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người thì riêng trong tháng 1, đã có 2 trường hợp tử vong do cúm H5N1 tại Bình Phước và Đồng Tháp.

Để chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có dấu hiệu cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến tiếp xúc, ăn thịt gia cầm cần đến viện sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Hồng Hải

Nguồn: Dân Trí