Nói về an ninh toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Henry Kissinger, cho rằng “châu Á đang ở vào tình thế giống như thế kỷ 19 và không loại trừ được khả năng có xung đột quân sự”.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh toàn cầu ở Munich cuối tuần qua, ông Kissinger, người cũng từng giữ chức Cố vấn an ninh của tổng thống Hoa Kỳ và chỉ đạo đàm phán tại Hòa đàm Paris về chiến tranh Việt Nam, bày tỏ quan điểm về căng thẳng Trung – Nhật.
Năm nay đã 90 tuổi, ông Henry Kissinger vẫn tiếp tục phát biểu về nhiều chủ đề quốc tế quan trọng
Ông nói rằng với thế giới bên ngoài, điều quan trọng là làm sao không để Nhật Bản hay Trung Quốc bị “lôi kéo vào khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề”.
Trước ông Kissinger, bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao hiện là chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc phát biểu tại Munich rằng “quan hệ với Nhật Bản là tồi tệ nhất từ trước tới nay”.
Lịch sử phủ bóng
Bà Phó Oánh cũng nói “Trung Quốc sẽ có hành động để duy trì ổn định trong vùng” và đổ lỗi cho phía Nhật Bản “chối bỏ tội ác chiến tranh” trong lịch sử, theo Bloomberg.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishidanói với hội nghị rằng Nhật đã có những nhìn nhận nghiêm túc về quá khứ chiến tranh và thời chiếm thuộc địa.
Ông cũng nói Nhật Bản “muốn tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về chủ đề an ninh”.
Năm nay, hội nghị thường kỳ về an ninh quốc tế tại Munich, Đức tụ họp chừng 300 nhân vật có ảnh hưởng, gồm các vị Ban Ki-Moon, Sergeu Lavrov, Catherine Ashton, Henry Kissinger, John Kerry, Chuck Hagel, Susan Rice và Fogh Rasmussen.
Tại hội nghị ở Bayerischer Hof Hotel hôm thứ Bảy 1 tháng 2/2014 cũng đã xảy ra tranh cãi giữa Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov và các quan chức EU cùng Hoa Kỳ liên quan đến tình hình Ukraine.
Các chủ đề khác được bàn đến gồm tình hình Afghanistan, Ai Cập, chương trình nguyên tử của Iran và cả các tiết lộ của ông Edward Snowen về chương trình nghe lén toàn cầu của Hoa Kỳ.
Ông Henry Kissinger, năm nay 90 tuổi, đã từng dàn dựng chuyến thăm nổi tiếng đến Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon, gặp Mao Trạch Đông năm 1972, tạo chuyển biến trong quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Sau Chiến tranh Lạnh, ông thường được chính quyền Trung Quốc mời sang phát biểu về các vấn đề quốc tế với thái độ tôn kính đặc biệt.
Không chỉ các lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình lắng nghe ông mà cả các nhân vật thế hệ sau như Tập Cận Bình cũng long trọng đón tiếp ông Henry Kissinger, tác giả nhiều cuốn sách về ngoại giao quốc tế.
Theo BBC