Áp lực lập gia đình ở Trung Quốc đáng sợ không kém gì áp lực lập thân lập nghiệp. Những thanh niên đến tuổi yên bề gia thất mà chưa tìm được “đối tác tiềm năng” thường rất sợ mỗi khi Tết đến. Họ thậm chí còn thuê người yêu giả cho… xong chuyện.
Nhiều thanh niên độc thân ở Trung Quốc rất lo sợ mỗi khi Tết đến, bởi Tết là thời điểm mà họ biết trước rằng sẽ phải đón nhận rất nhiều câu hỏi từ gia đình, họ hàng về chuyện tình yêu – hôn nhân.
Không chỉ vậy, ngay cả khách khứa đến chúc Tết cũng thường truy hỏi “khổ chủ” như một đề tài vui miệng lúc “trà dư tửu hậu”, chưa nghĩ ra chuyện gì hay ho hơn để nói thì liền lấy chuyện của nhân vật trẻ tuổi trong nhà đem ra bàn tán cho rôm rả.
Chuyện lập thân lập nghiệp và lập gia đình đối với người Trung Quốc là hai việc quan trọng nhất trong đời. Những thanh niên đã đi làm, công việc ổn định, lại đã tới tuổi kết hôn, tốt nhất nên có một người bạn trai/bạn gái để đưa về nhà giới thiệu trong ngày Tết. Người yêu lúc này không khác gì “tấm bia đỡ đạn” giúp bạn thoát khỏi mọi sự “chất vấn”, thúc giục.
Khổ sở nhất chính là những người đã hội tụ đủ mọi điều kiện để kết hôn nhưng vẫn “hai chưa” (chưa lập gia đình, chưa có người yêu), những ngày này, họ sẽ được dịp “mỏi miệng” trả lời những câu hỏi quen thuộc đến nhàm chán. Dần dần, những người trẻ “hai chưa” ở Trung Quốc đâm ra sợ Tết.
Mới đây, báo chí Trung Quốc cũng được dịp “cười ra nước mắt” với một bà mẹ bỏ ra số tiền tương đương hơn 50 triệu VND để đăng quảng cáo gọi con trai về ăn Tết. Trước đây, mỗi lần cậu con trai này về nhà dịp Tết, bà và chồng đều hối thúc con lấy vợ, hối thúc nhiều quá tới mức con sợ không dám về nhà nữa.
Hay như một thanh niên mới đây cũng gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi hứa hẹn bỏ ra hơn 1 triệu nhân dân tệ (tương đương với 3,5 tỉ VND) để thuê một cô gái hoàn hảo vào vai bạn gái, cùng cậu về nhà ăn Tết, “đóng kịch tình yêu”, ra mắt cha mẹ.
Cậu thanh niên này cũng đang bị giục lấy vợ gấp, vì vậy, chiêu trò này được cậu bày ra, hy vọng sẽ làm hài lòng cha mẹ và làm chậm “tiến độ” thúc ép kết hôn.
Những ngày này, một bộ phận cư dân mạng Trung Quốc sôi sục với việc tìm thuê một người vào vai bạn trai/bạn gái để đưa về quê nhà giới thiệu với gia đình, những mong sẽ “yên ả” sống qua những ngày Tết.
Đây không còn là một xu hướng ngầm trong giới trẻ mà thực tế, báo đài, truyền thông ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã liên tục đưa tin về dịch vụ Tết đặc biệt này.
Trên những trang bán hàng qua mạng của Trung Quốc, dịch vụ thuê bạn gái/bạn trai “giả” những ngày cận Tết nở rộ. Khách hàng tự đăng quảng cáo “tuyển dụng” cũng có mà người có nhu cầu “làm thêm” tự đăng giới thiệu bản thân cũng nhiều.
Đa phần những thanh niên quyết định không về quê ăn Tết mà tranh thủ “làm thêm” kiếm tiền là đối tượng sinh viên hay những bạn trẻ mới ra trường chưa tìm được việc làm.
Nhiệm vụ của các “người yêu giả” thường là về nhà ăn Tết với gia đình người “tuyển dụng”, đồng thời, cùng họ đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân. Thông thường “vở kịch” chỉ kéo dài trong 1-2 ngày đầu năm, đổi lại, mức thù lao khá hậu hĩnh, khoảng 1.500 nhân dân tệ (tương đương hơn 5 triệu VND).
Trong những hợp đồng “đóng kịch” như thế này, thường có những điều khoản rất rõ ràng quy định về mức độ thân mật được cho phép, ví dụ như cầm tay, ôm hôn… Bên cạnh đó, những món tiền mừng tuổi, quà cáp mà gia đình, họ hàng người “tuyển dụng” tặng cho người đóng giả, sau đó, sẽ phải trả lại cho người “tuyển dụng”.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều sinh viên và lao động chưa có việc làm ở Trung Quốc quyết định sẽ hy sinh những ngày nghỉ Tết đầu tiên để “làm thêm”, kiếm chút đỉnh. Sau đó, họ sẽ về quê ăn Tết muộn với gia đình.
Đối với những khách hàng có nhu cầu xem trước ảnh của người sẽ đóng giả làm bạn trai/bạn gái của mình, họ phải chi một khoản tiền nhỏ, khoảng 10 tệ (tương đương 35.000 VND), đồng thời, bản thân họ cũng phải gửi ảnh cá nhân cùng ảnh chụp một số giấy tờ tùy thân để trao đổi. Nếu cả hai bên cảm thấy tin tưởng, phù hợp, thỏa thuận thành công, lúc này mới trực tiếp gặp mặt.
Mức lương trả có thể tính theo giờ hoặc theo ngày, một số hoạt động phụ phát sinh, như đi mua sắm cùng, đi xem phim cùng… cũng sẽ khiến người “tuyển dụng” phải chi thêm phụ phí. Trung bình, tiền thù lao dao động ở mức 400-800 tệ/ngày (tương đương 1,4 triệu – 2,8 triệu VND).
Thường người đi “làm thêm” chỉ đồng ý “hợp tác đóng kịch” với những người sống trong cùng một tỉnh với mình để sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ có thể sớm trở về nhà ăn Tết với gia đình trong những ngày còn lại của kỳ nghỉ lễ.
Vào dịp Tết, nhiều thanh niên độc thân Trung Quốc còn bị cha mẹ bắt đi chúc Tết cùng, thực tế, đây là một cách sắp xếp của các gia đình có con cái còn độc thân, để đôi trẻ gặp gỡ, xem mặt đầu năm. Áp lực tâm lý quá lớn, đồng thời không thể chịu nổi sự can thiệp thái quá vào đời sống riêng tư, nhiều bạn trẻ quyết định “đóng kịch tình yêu” trước mặt gia đình, họ hàng.
Các nhà xã hội học Trung Quốc đã cảnh báo rằng những trường hợp như thế này sẽ không chỉ tạo nên hiện tượng xấu trong xã hội mà còn gây ảnh hưởng tới quan niệm về tình yêu – hôn nhân – hạnh phúc của những bạn trẻ sẵn sàng tham gia vào màn kịch bi hài này.
Hiện tại, phía cảnh sát Trung Quốc vẫn chưa thể đưa ra kết luận về việc liệu thuê một người vào vai bạn gái/bạn trai có thể coi là một việc bất hợp pháp hay không. Bên cạnh đó, khi nhận được thông tin phản ánh, hay thậm chí có bằng chứng rõ ràng, thì việc can thiệp cũng rất khó khăn vì không có lý do nào để ngăn chặn một việc làm vô hại.
Tuy vậy, phía cảnh sát vẫn cho rằng nếu hiện tượng này ngày càng diễn ra phổ biến thì những mặt trái của nó như lừa đảo, xâm hại… sẽ bắt đầu xuất hiện.
Bích Ngọc
Theo Women of China
Nguồn: Dân Trí