Dù kéo dài tới 7 ngày với không ít nỗ lực con thoi của nhà trung gian hòa giải quốc tế Lakhdar Brahimi, song cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên giữa đại diện các phái đối lập Syria vẫn kết thúc trắng tay.
Đặc phái viên LHQ- AL Lakhdar Brahimi thông báo kết quả tại một cuộc họp báo ở Geneve.
Theo các thông tin chính thức từ các bên tham gia, vòng hòa đàm đầu tiên giữa chính phủ Syria và phe chống đối đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong các vấn đề then chốt.
“Tôi vô cùng thất vọng trước việc Liên hiệp quốc chưa thể đưa hàng cứu trợ tới thành phố Homs, nơi hiện do phe nổi dậy kiểm soát và bị các lực lượng chính phủ vây hãm. Đây là nơi có nhiều người sắp chết đói”, ông Brahimi buồn bã thông báo.
Trước đó, hai bên đã tranh cãi kịch liệt về những chủ đề sẽ được thảo luận trong cuộc đàm phán được trông đợi từ lâu.
Chính phủ Syria muốn bắt đầu với việc giải quyết vấn đề khủng bố và đã đưa ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt tài trợ cho các “hoạt động khủng bố”. Damascus cũng lên án Mỹ quyết định tái vũ trang cho phe đối lập Syria.
Tuy nhiên, phe chống đối đã nhanh chóng bác bỏ nghị quyết mà họ cho là mang “quan điểm một chiều”, đồng thời nói thêm rằng mọi việc sẽ trở thành vô ích nếu tiến hành thảo luận mà không thành lập một chính phủ chuyển tiếp.
Đáp lại, đại diện của chính quyền Damascus nói rằng việc phe đối lập bác bỏ nghị quyết là vì “chính họ là những phần tử khủng bố”.
Những tranh cãi căng thẳng khiến cho cuộc đàm phán cũng không thể đi đến thống nhất cuối cùng về cách thức đưa hàng cứu trợ tới những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất trong cuộc nội chiến ở Syria, điều trước đó hai bên đã đạt được nhất trí trên nguyên tắc một cách tương đối dễ dàng.
Thành quả duy nhất của vòng đàm phán kéo dài 7 ngày ở Geneva trong khuôn khổ hội nghị Geneva II là việc các bên đồng ý họp lại trong khoảng một tuần lễ nữa.
Ông Brahimi hy vọng đến thời điểm có, hai bên sẽ có được những cuộc điều đình thực chất hơn. Ông nhấn mạnh vòng đàm phán kết thúc vào ngày 31/1 “chỉ là phần khởi đầu của cả một tiến trình”.
Theo Giáo sư Stephen Zunes, chuyên ngành Trung Đông học của Đại học San Francisco, việc đạt được tiến bộ rất nhỏ trong vấn đề nhân đạo ở Syria cũng là một sự khởi đầu rất hữu ích cho những bước tiến tiếp theo sau này.
“Ngay cả đối với vấn đề (nhân đạo) này, bên nào cũng ra sức giành ưu thế cho mình. Nhưng đây là một lĩnh vực mà phe nổi dậy và chính phủ có thể hợp tác, góp phần tạo dựng sự tin tưởng để có thể tiến tới chỗ điều đình với nhau về những vấn đề có thực chất hơn”, Giáo sư Zunes nhận định.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sẽ có quá nhiều hy vọng cho một đột phá trong tương lai gần.
“Về cơ bản thì đây là tình huống đôi bên cùng thua. Không bên nào giành được thắng lợi về mặt quân sự. Sẽ có thêm nhiều người chết và đó là thực tế không có lợi cho bên nào cả”, ông nói.
Cuộc xung đột ở Syria khởi phát từ tháng 3/2011 với những cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, làn sóng phản kháng đã nhanh chóng trở thành một cuộc nội chiến vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người và làm gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Vũ Anh Theo BBC
Nguồn: Dân Trí