Ruhr Nachrichten (Ruhr News), tờ báo địa phương lớn nhất ở Dortmund, Đức, đã đăng tải câu chuyện về một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vào ngày 13 tháng 01 năm 2014.
Ruhr Nachrichten đưa tin về học viên Pháp Luân Đại Pháp Trung Quốc Quách Cứ Phong và gia đình ông. Trong bức ảnh, gia đình ông đang cầm tấm biểu ngữ có dòng chữ: “Cả thế giới biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt” bằng tiếng Trung Quốc.
Câu chuyện có tựa đề “Rất lo lắng cho người bạn của ông” mở đầu bằng cuộc sống mới của ông Quách Cứ Phong ở Đức, nơi mà không giống như ở Trung Quốc, ông có thể tận hưởng tự do. Nhưng ông rất lo lắng cho người bạn của mình ở Trung Quốc, người hiện đang chịu sự tra tấn và đàn áp vì chia sẻ tín ngưỡng của mình giống như ông trước đây.
Cuộc hành trình của ông Quách bắt đầu vào năm 1995 khi ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Lúc đó, ông 22 tuổi và đang là sinh viên đại học. Đảng Cộng sản Trung Quốc độc tài xem môn tu luyện như một mối đe dọa cho quyền lực của nó và đã ra lệnh cấm vào năm 1999. Những người không chịu từ bỏ niềm tin đó đã bị bức hại. Nhưng cuộc bức hại ở Trung Quốc chỉ càng khiến cho Pháp Luân Đại Pháp nổi tiếng khắp thế giới phương Tây. Ông Quách là một trong những người phản đối lệnh cấm này, vì môn tu luyện đã trở thành một phần cuộc sống của ông.
Câu chuyện kể lại với độc giả về những tra tấn mà ông Quách từng phải chịu đựng ở Trung Quốc. Người kỹ sư điện nói ông đã bị giam giữ ở các trại lao động cưỡng bức bốn lần. Đó là những khoảng thời gian thật khủng khiếp. Ông bị nhốt trong một xà lim nhỏ và bị sốc bằng dùi cui điện.
Ông có một người bạn gái vào lúc đó. Rất nhiều người đã cố gắng thuyết phục cô ấy bỏ ông, nhưng cô đã dũng cảm và ở bên ông mọi lúc. Họ kết hôn vào năm 2004. Ba năm sau, vợ ông có thai, và ông Quách tìm được một công việc mới. Công ty đã gửi ông đến Đức trong một chuyến công tác vào năm 2008.
“Đó là khi cuộc bức hại Pháp Luân Công lên đến đỉnh điểm trước Thế Vận Hội Bắc Kinh,” người đàn ông trẻ kể lại. Ông phải đấu tranh tư tưởng trong một thời gian dài và cuối cùng quyết định ở lại Đức, hy vọng rằng gia đình ông có thể sớm sang đó trong tương lai.
Vào ngày 22 tháng 06 năm 2009, con trai ông nhảy vào vòng tay ông và gia đình ông đã đoàn tụ tại Sân bay Quốc tế Frankfurt.
Ông Quách hòa nhập với nền văn hóa Đức bằng cách học ngôn ngữ và kết bạn. Sau khá nhiều nỗ lực, ông đã tìm được một công việc kỹ thuật và gia đình ông có thêm một cô con gái đáng yêu. Nhưng ông không thể quên người bạn của mình là ông Lữ Khai Lợi ở Trung Quốc. Ông Lữ đã bị bỏ tù trong nhiều năm. Ông Quách hiện đang tìm cách giải cứu cho bạn mình.
Học viên Pháp Luân Công Lữ Khai Lợi hiện vẫn đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ bất hợp pháp.
IGFM, một tổ chức nhân quyền ở Frankfurt Đức, xác nhận rằng ông Lữ Khai Lợi là một kỹ sư ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Ông bắt đầu thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào năm 2000. Ông đã bị bắt giam trong nhiều trại lao động cưỡng bức, nơi mà ông bị ngược đãi và tra tấn.
Năm 2006, ông bị kết án 10 năm tù. Lúc đầu ông bị đưa đến nhà tù thành phố Doanh Khẩu ở tỉnh Liêu Ninh. Sau đó, ông bị chuyển đến nhà tù thành phố Bàn Cẩm, nơi hàng ngày ông bị sốc bằng dùi cui điện trong nhiều giờ đến nỗi hầu như da của ông không còn chỗ nào lành lặn.
Trong khi bị đánh đập, xương sống của ông đã bị gãy, khiến ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống và mất kiểm soát. Năm 2012, ông bị chuyển đến nhà tù thành phố Cẩm Châu. Ông đã bị liệt trong bốn năm qua, gia đình ông đã đến nhà tù 23 lần nhưng không được phép gặp ông.
Bối cảnh
Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công), do ông Lý Hồng Chí sáng lập, là một môn tu luyện tự thân cấp cao dựa trên các bài giảng của Phật gia. Nền tảng của pháp môn là đồng hóa với Chân- Thiện- Nhẫn, đặc tính cao nhất của vũ trụ.
Những bài giảng của Lý Sư phụ được tập hợp lại trong một số ấn bản, trong đó có Chuyển Pháp Luân, Tinh Tấn Yếu Chỉ, và Hồng Ngâm. Những cuốn sách này và nhiều cuốn khác đã được dịch sang 38 thứ tiếng và được xuất bản, phân phối trên toàn thế giới.
Bản tiếng Hán: http://www.minghui.org/mh/articles/2014/1/22/德国媒体报道法轮功学员的故事-286048.html
Bản tiếng Anh: http://en.minghui.org/html/articles/2014/1/23/144557.html
Theo Minhhue