Hải quân Nhật Bản, Ấn Độ sẽ tập trận chung ở Đông Hải, nơi đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam có trụ sở tại Hong Kong nói thỏa thuận nêu trên đã được Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhất trí thông qua.
Trong tuyên bố chung được trích dẫn, lãnh đạo chính phủ hai nước nói họ sẽ “tổ chức nhiều hơn những cuộc tập trận hải quân” để “giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm”.
Chiến hạm Nhật Bản, Ấn Độ trong cuộc tập trận chung trên vịnh Bengal
Cuộc tập trận hải quân lần thứ 3 giữa hai nước được tuyên bố là sẽ diễn ra tại Đông Hải trong năm nay.
Hãng tin AP cho hay, trong lần hội đàm này, Thủ tướng Nhật không công khai nhắc tới vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với báo giới Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ Indian Times của Ấn Độ dẫn lời người đứng đầu chính phủ Nhật nói “an toàn hàng hải ở vùng Đông Bắc Á đang ngày càng nghiêm trọng”.
Bắc Kinh sẽ đặc biệt quan tâm nội dung hội đàm giữa hai cường quốc châu Á lần này, theo tường thuật của tờ Bưu điện Hoa Nam.
Trong khi đó, tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc nói khi nhắc đến quan hệ Nhật Trung, ông Abe cho rằng “để tránh xung đột, Bắc Kinh và Tokyo cần có những kênh ngoại giao thích hợp”.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Ấn Độ
Bài phát biểu của ông Abe được mô tả là nhận được sự đánh giá rất cao của chính phủ Ấn Độ khi có được sự đồng thuận giữa hai nước về tự do hàng hải và hàng không.
Tuyên bố chung giữa Tokyo và New Delhi về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc chưa được nói đến cụ thể, trong khi nhiều vùng biển của Nhật Bản bị bao trùm trong ADIZ.
Trong diễn biến khác, ông Abe tuyên bố Nhật Bản viện trợ cho Ấn Độ hai chiếc máy bay cứu hộ US-2. Tuy nhiên, hai chiếc máy bay này sẽ không gắn vũ khí, bởi Tokyo tự đặt ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho mình.
Nhưng báo chí Ấn Độ dẫn lời ông Abe nói Nhật đang xem xét lại việc phá vỡ đạo luật này. bằng cách xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ, một khách hàng nhập khẩu vũ khí lớn.
Trong tuyên bố được trích dẫn, ông Abe nói “sự hợp tác giữa một Nhật Bản với nền kinh tế hồi sinh mạnh mẽ và một Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng” sẽ là “lực lượng tốt” trong khu vực Đông Bắc Á.
Theo Vtc