Không thể mua được một nghìn tiền hành hoa
Tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), khi PV hỏi mua 1.000 đồng hành hoa tại sạp rau củ, chị bán hàng tỏ ra khó chịu: “Bây giờ 1.000 đồng thì mua được cái gì? Cái gì cũng đắt, mua hành ít nhất cũng phải 2.000 đồng thì tôi mới bán”.
Chuyển sang quầy hàng khác, khi mua 3 lạng thịt lợn hết 39.000 đồng tính thành 40.000 đồng (giá 13.000 đồng/lạng), người bán hàng bảo: “Đấy, thêm có 1.000 đồng nhưng chị cân cho thừa 3 lạng tươi tỉnh rồi nhé”.
Người bán hàng này lật giở cả nắm tiền để tìm 500 đồng trả lại cho khách nhưng không có
Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân, chị Trâm – một tiểu thương bán cá cho biết: “Thời buổi này 500 đồng, 1.000 đồng còn tiêu gì được nữa. Tôi bán hàng cả ngày mới có 2 tờ 500 đồng, có lúc cần trả lại nhưng lục mãi trong túi cũng chả tìm được đồng nào lại đành cân tươi thêm cho khách thôi. Bây giờ tiền 500 đồng rất hiếm”.
Không chỉ ở chợ, tại một điểm bưu điện VNPT giữa lòng Hà Nội, chuyện “thiếu” tiền mệnh giá thấp nên “áp” giá chênh cho khách hàng cũng xảy ra.
Chị Nhung (ở đường Đê La Thành) cho biết: “Tôi đến điểm bưu điện trên phố Giảng Võ, sau khi tôi đóng gói bưu phẩm muốn gửi, cô nhân viên đặt lên bàn cân và đóng dấu hết 8.500 đồng, nhưng cô này lại thu của tôi 10.000 đồng với lí do không có 1.500 đồng để trả lại”.
Tiền lẻ 500, 1.000 đồng sẽ trở thành dĩ vãng?
Theo chị Nhung: “Họ không từ chối tiền mệnh giá nhỏ nhưng bản thân họ cũng không có tiền mệnh giá đó để trả lại theo đúng hóa đơn, còn nếu trả cả 2.000 đồng thì họ không muốn, vì thế họ thản nhiên thu thêm của tôi 1.500 đồng mà không cần biết đến việc khách hàng cảm thấy ấm ức ra sao. Tự nhiên phải chấp nhận thiệt thòi, thật vô lí”.
Tiền từ phố về quê
Trên thực tế, các cơ quan Nhà nước vẫn nhận và lưu hành tiền giấy, thậm chí cả tiền xu, nhưng người dân lại mang tâm lý “ngại” sử dụng tiền mệnh giá thấp, tiền khó cất giữ.
Chị Huế (ở huyện Chương Mỹ, bán bộc bạch: “Bây giờ người ta tiêu tiền chục nghìn loại polymer là chủ yếu, ở thành phố không mua bán được bằng tiền 200 đồng, còn tiền 500 đồng thì rất ít. Tôi bán hàng rong nên đôi khi cũng có đồng nọ đồng kia, thường thì tôi cóp nhặt lại rồi mang về quê để tiêu. Riêng tiền xu thì ở quê người ta cũng không tiêu nữa”.
Từng trao đổi về vấn đề chuyện người tiêu dùng có tâm lý kén tiền, TS.Cao Sỹ Kiêm (Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng: “Người tiêu dùng kén tiền để chi tiêu, giao thương là do cơ cấu bất hợp lý của đồng tiền Việt Nam. Trong bối cảnh giá cả thị trường liên tục tăng thì tiền giấy mệnh giá nhỏ không còn tiện ích đối với người tiêu dùng khi chi tiêu, mua sắm.
Cũng theo TS. Cao Sỹ Kiêm: Ngân hàng Nhà nước hiện nay mới chỉ ngừng in tiền xu mệnh giá nhỏ, tuy nhiên các loại tiền đồng dạng xu hay giấy có mệnh giá thấp vẫn đang lưu hành đều hợp pháp. Hành vi từ chối lưu hành loại tiền này của người bán hàng là vi phạm pháp luật.
Quỳnh Anh