Trong bối cảnh dòng người ồ ạt đổ về quê và rất nhiều gia cầm được di chuyển trong dịp Tết âm lịch, dịch H7N9 có khả năng bùng phát mạnh ở Trung Quốc khi chỉ trong ngày 24/1, giới chức y tế nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới.
Trong số ca nhiễm mới, có tới 7 trường hợp ở Chiết Giang, 3 trường hợp còn lại ở Bắc Kinh, Quảng Đông và Phúc Kiến. Trước đó, ngày 23/1, tại Chiết Giang cũng có 5 ca nhiễm mới trong số 6 ca của cả nước. Như vậy tổng số người mắc bệnh tại tỉnh Chiết Giang đã lên 44 tính từ đầu năm 2014 đến nay với độ tuổi trong khoảng từ 20 tới 79.
Hiện thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang và Thượng Hải đã ra lệnh tạm ngưng hoạt động của các chợ gia cầm sống tại khu vực đông dân cư, tiến hành khử trùng quanh chợ và kêu gọi theo dõi chặt chẽ gia cầm chăn nuôi tại các trang trại, công viên… trong nỗ lực kiềm chế sự phát tán virus H7N9. Trước đó, thành phố Thượng Hải đã thông báo 2 trường hợp tử vong, bao gồm 1 nhân viên y tế.
Như vậy, chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2014, Trung Quốc đã báo cáo khoảng 50 trường hợp lây nhiễm H7N9. Các chuyên gia nhận định, H7N9 vẫn khó kiểm soát do gia cầm nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng và hầu hết các trường hợp đều liên quan tới việc tiếp xúc với gia cầm sống. Tuy nhiên, nguy cơ chủng cúm này có thể biến đổi sang một dạng khác cho phép chúng dễ dàng phát tán từ người sang người đang được cảnh báo.
Thời tiết giá rét và số lượng lớn gia cầm được mua bán dịp cận Tết làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm. (Ảnh: thedalleschronicle.com)
“Đây là mùa đông đầu tiên chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của H7N9. Số lượng các ca nhiễm đang gia tăng nhanh chóng và chúng tôi cho rằng điều này cơ bản do thời tiết giá rét gây ra. Tuy nhiên, tình hình càng thêm phức tạp trong bối cảnh người dân đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán với các phương tiện giao thông công cộng chật cứng người và gia cầm sống. Điều này khiến khả năng lây nhiễm ngày càng gia tăng”, đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO cho hay.
Ca nhiễm H7N9 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 3 năm ngoái tại Thượng Hải, Trung Quốc. Sau đó, hơn 200 trường hợp khác đã được báo cáo, bao gồm khoảng 50 ca tử vong. Các ca bệnh khác cũng được ghi nhận tại đặc khu hành chính Hong Kong, Đài Loan.
Không chỉ H7N9, các chuyên gia cảnh báo đây còn là thời điểm nhạy cảm cho sự bùng phát của H5N1, dòng cúm đã làm hàng nghìn người tử vong trên toàn thế giới. Đến nay, H5N1 vẫn tiếp tục lưu hành trên gia cầm và gây tử vong cho khoảng 60% ca lây nhiễm.
Vào ngày 21/1, Việt Nam đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong vòng 9 tháng qua trên một người đàn ông 52 tuổi ngụ tại Bình Phước. Trong tháng 1, Bắc Mỹ cũng thông báo ca lây nhiễm trên một người trở về từ chuyến du lịch Bắc Kinh. Nạn nhân đã tử vong sau đó tại Canada.
Cả hai dòng cúm gia cầm H7N9 và H5N1 đều khiến bệnh nhân sốt cao và gặp các vấn đề về hô hấp bao gồm viêm phổi, khó thở. Các nhà khoa học đã liên tục cảnh báo rằng cần hết sức thận trọng và không được chủ quan với các chủng cúm trên bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau nhiều năm tiến hành chiến dịch tại các quốc gia nơi gia cầm và gia súc được nuôi rất gần nơi ở của con người, thông điệp dường như vẫn rất khó đến được với người dân.
Gia cầm là một phần không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết của các quốc gia đón Tết âm lịch. Điều nguy hiểm là chúng thường được mua khi còn sống và giết thịt tại nhà. Do vậy WHO khuyến nghị cẩn trọng khi giết mổ và chế biến gia cầm, bao gồm việc thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, đồng thời sử dụng thịt, trứng đã nấu chín để hạn chế nguy cơ lây bệnh.
Thêm vào đó, sự bùng phát các ổ dịch H5N8 trên vịt tại Hàn Quốc, H5N2 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thời gian gần đây khiến các quốc gia ngày càng lo ngại.
Theo Khoahoc