Cựu thị trưởng thành phố giàu có phía nam Trung Quốc – Thâm Quyến – đã lĩnh án tử hình vì nhận hối lộ, các phương tiện truyền thông nước này hôm 9/5 đưa tin.
Cách đây hai năm, cựu thị trưởng Thâm Quyến Hứa Tông Hoành đã bị sa thải vì những cáo buộc liên quan tới tham nhũng.
Năm 2009, việc bắt giữ vị thị trưởng họ Hứa, nguyên là một kỹ thuật viên xe hơi đảm nhận ghế thị trưởng Thâm Quyến từ năm 2005, là một phần của cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn tại tỉnh Quảng Đông.
Cựu thị trưởng Thâm Quyến Hứa Tông Hoành bị cho là liên quan tới rất nhiều vụ việc nhận hối lộ. Ảnh: shenzhen-standard |
Tòa án tỉnh Hà Nam cho hay, ông Hứa, 56 tuổi, đã nhận hơn 33,2 triệu nhân dân tệ (5,1 triệu USD) hối lộ từ các công ty vật liệu xây dựng và những quan chức cấp thấp từ năm 2001 đến 2009.
“Bản án tuyên rằng, Hứa Tông Hoành đã lạm dụng quyền lực và tìm kiếm lợi ích bằng việc giúp đỡ chính đơn vị hoặc cá nhân có kế hoạch phát triển đất đai, thắng thầu trong các hợp đồng xây dựng hay muốn thăng quan tiến chức”, Tân Hoa xã đưa tin.
Tuy nhiên, cựu thị trưởng Hứa được hoãn thi hành án tử hình trong hai năm vì đã thú nhận tội lỗi. Ở Trung Quốc, án tử hình hoãn hai năm thông thường được giảm xuống thành án chung thân.
Hứa Tông Hoành là một trong những quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị trừng phạt vì tham nhũng kể từ sau vụ nguyên Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ lĩnh án tù vì tội danh này năm 2008. Hứa bị cho là liên quan tới rất nhiều vụ việc nhận hối lộ từ các dự án xây dựng và kế hoạch phát triển như xe điện ngầm, xây dựng trường đại học, đường quốc lộ, dự án nhà ở… Trong quá trình điều tra, Hứa đã khai ra những cái tên quan chức về hưu trong chính quyền thành phố Thâm Quyến và một số quan chức đương nhiệm của tỉnh Quảng Đông có dính líu.
Cựu thị trưởng Thâm Quyến còn bị phát hiện có phạm pháp trong những đề án định giá bất động sản. Cuộc điều tra còn hướng mục tiêu tới sự liên quan của ông Hứa trong vụ cháy hộp đêm ở quận Long Cảng làm 44 người thiệt mạng và khi ấy chỉ có một số cán bộ cơ sở phải chịu trách nhiệm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hồ Nam, Hứa đã làm việc tại Thâm Quyến trong 15 năm và từng bước thăng tiến cho tới khi được chọn làm thị trưởng năm 2005.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần cam kết ngăn chặn tham nhũng – một trong những nguyên nhân chính khiến người dân bất bình. Sự bùng nổ kinh tế tại Trung Quốc đã đem lại nhiều cơ hội cho các quan chức sử dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng tư.
Trong một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước hồi tháng 3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra hàng loạt ưu tiên với nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc năm 2011, như ngăn chặn các hành vi sai phạm của quan chức, trong đó có lạm dụng quyền lực, lơ là bổn phận. Ông Ôn tin rằng, tham nhũng có thể làm mất ổn định xã hội nếu không được giải quyết đúng đắn.
Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng. Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức – hai hoạt động chính của chương trình – sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội. VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người. |
-
Thái An (Theo shenzhen-standard, Shenzhen Post)