Tinh Hoa

Sợ tốn tiền, không dám về quê chúc Tết


Tết này, khó khăn quá mới thấm thía cảnh những người không về quê vì không có tiền – chị Thanh Hải, một biên tập viên có hơn 20 năm nghề báo, hiện đang làm tại một tạp chí tâm sự.

Vợ chồng chị bàn bạc chuyện cắt giảm chi tiêu, trong đó có khoản về quê. “Năm nay chỉ cử đại diện về quê chúc tết chứ không rồng rắn cả nhà như năm ngoái, tốn kém lắm”.

Trước đây, mỗi tháng chị thu nhập từ lương, nhuận bút được khoảng gần chục triệu, tằn tiện chi tiêu cũng tạm ổn cho gia đình gồm bốn người.

Hai năm nay, do tòa soạn khó khăn, chị chỉ còn lương cơ bản, cộng với nhuận bút cũng sụt giảm, tổng thu nhập chưa được 5 triệu. Chồng chị cũng là một nhân viên hợp đồng tại một công ty, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu.

Những thứ không thực sự cần thiết thì chị Hải kiên quyết không mua.

 Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Mỗi tháng thâm hụt ngân sách khoảng đôi ba triệu, hàng năm nay, gia đình chị luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, phải vay mượn thêm của anh em ruột. Tết này cũng không có khoản gì khác ngoài lương và nhuận bút ít ỏi. Vợ chồng chị bàn bạc chuyện cắt giảm chi tiêu, trong đó có khoản về quê. 

“Năm nay chỉ cử đại diện về quê chúc tết chứ không rồng rắn cả nhà như năm ngoái, tốn kém lắm” – chị chia sẻ – thậm chí có lúc đi đường đến chai nước lọc nếu thực sự chưa cần thiết chị cũng không mua. 

Các con tôi thương cha mẹ, cũng rất tiết kiệm, có lúc ra sân bay đi đón người thân, tuy đói bụng nhưng thằng anh nhường thằng em. Mỗi gói mỳ tôm, chai nước giá tới vài chục ngàn nên nó nhất định không bỏ tiền ra ăn.

Trong gia đình, những khoản trước đây tiêu không phải suy nghĩ thì nay kiên quyết nói không: Không dùng điều hòa, không ăn sáng ở ngoài, không mua sắm quần áo, giày dép nếu không cần thiết; không đi taxi, hạn chế vào siêu thị, hạn chế gọi điện thoại… Những thứ “xa xỉ” trong nhà cũng bị cắt giảm và hạn chế tối đa, không có cũng “không sao cả”. 

Danh mục được đưa ra gồm: Sữa tắm, xà bông thơm, nước rửa tay, nước lau sàn, nước xả làm mềm quần áo; giấy ướt; hoa quả; bánh kẹo quà vặt; nước hoa, keo xịt tóc. Những thú vui và thói quen như cà phê sáng, ăn tối, chiêu đãi bọn trẻ KFC mỗi cuối tuần, dã ngoại… cũng phải bỏ.

Tiết kiệm lâu dần cũng thành quen, thấy cũng không ảnh hưởng đến sinh hoạt nhiều lắm. Tuy nhiên, chị chưa biết kiếm đâu ra khoản tiền để bù dắp cho thiếu hụt. Hơn nữa, “đến tuổi này rồi mà chẳng có điều kiện để bù đắp cho cha mẹ già ở quê mà thậm chí còn vay thêm những khoản tiết kiệm của các cụ nên thấy rất áy náy” – chị tâm sự. Nhưng nước mắt luôn chảy xuôi. Một lần về quê, thấy chị nhặt rau, bỏ cả những lá già vào rổ, mẹ chị tinh ý nhận ra. Các cụ luôn lo lắng cho con làm lụng vất vả lại chi tiêu ở giữa chốn thành phố đắt đỏ. Biết con đang khó khăn nên gói ghém những thứ “nhà trồng được” cho con. Những thứ ấy trước đây ở quê gửi lên chị chẳng màng đến, thậm chí rất khó chịu vì không muốn dùng, vứt đi thì tiếc.

Mình là nhà báo, cái nghề thường thường bậc trung trong xã hội mà chẳng đủ sống; tết đến còn lo chuyện không về quê được, huống chi những người làm các nghề khó kiếm sống hơn; lại ở quá xa xôi nên không dám nghĩ đến chuyện về quê cũng thấy thương cảm. Chỉ có một điều chính trong khó khăn mới thấy được giá trị thật của cuộc sống, của tình cảm gia đình mà bấy lâu chúng ta chưa ý thức hết được – chị Hải chia sẻ.

Theo Minh Trang (VietNamNet)