Trái phật thủ khiến người ta liên tưởng tới bàn tay của Đức Phật đang chắp ngón cầu nguyện. Với mùi thơm và màu vàng đẹp mắt, nhiều người tin rằng nếu bày trái phật thủ trên bàn thờ trong dịp Tết sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.
Nằm cách Hà Nội khoảng 20 km, Yên Sở (huyện Hoài Đức – Hà Nội) được mệnh danh là thủ phủ của loại trái cây “bàn tay Phật”. Người dân nơi đây khấm khá nhờ trồng loại cây này.
Trái vàng, lợi nhuận vàng
Tết luôn là dịp để người dân tìm đến những thú chơi độc đáo, lạ mắt. Vài năm trở lại đây, mong muốn bày quả phật thủ trên mâm ngũ quả ngày Tết đã khá phổ biến. Nhu cầu người mua lớn, giá cả cao nên diện tích trồng cây phật thủ không ngừng tăng mỗi năm.
Về Yên Sở, khách sẽ choáng ngợp trước những khu vườn phật thủ rộng hút tầm mắt, trái sai trĩu cành, quả nào quả nấy tươi rói, vàng ươm…
Một trái phật thủ có giá tiền triệu
Bác Nguyễn Thị Loan (chủ khu vườn trồng phật thủ rộng hơn 3,6ha ở thôn Yên Sở) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi vài năm trở lại đây chỉ trồng loại cây này, không làm ruộng nữa. Năm ngoái diện tích được thu hoạch chỉ 3 sào nhưng năm nay lên tới hơn 1 mẫu. Người ta đã đặt mua cả vườn, trả giá hơn 400 triệu. Bữa sau là họ đến cắt rồi”.
Theo bác Loan, những trái phật thủ to, đẹp mắt thường được trả giá rất cao.Giá của mỗi trái phật thủ dao động từ vài chục tới vài triệu đồng. Nhiều người chơi sang, họ mua cả cây và thuê xe tới đánh về, giá của mỗi cây từ 5– 15 triệu/cây. Trừ chi phí giống cây, thuốc men, hàng năm gia đình bác thu lại 300 – 400 triệu đồng.
Một thế mạnh lớn của việc trồng phật thủ chính là người trồng hầu như không phải đi bán lẻ tại chợ, các thương lái và người mua sẽ đến tận vườn để đặt hàng và thu hoạch. Nếu may mắn, khu vườn nào có nhiều trái phật thủ đẹp, chủ vườn sẽ có thêm một số tiền không hề nhỏ.
Người dân nơi đây quan niệm rằng những trái phật thủ nhiều ngón tay tượng trưng cho con đàn cháu đống, phát tài phát lộc, nếu ai sở hữu được những trái phật thủ đó sẽ gặp nhiều may mắn trong suốt cả năm.
Vườn phật thủ mùa Tết
Đã có rất nhiều người không ngại đường xá xa xôi đã tìm về tận đây để có thể sở hữu cho mình một trái phật thủ như ý. Những trái phật thủ đẹp, lạ mắt đều được đặt trước tới cả vài tháng. Chủ vườn phải buộc túi nilông hoặc đánh dấu đã có người mua để người khác không hỏi nữa.
Duyên trời ban
Cùng với các thú chơi khác, trái phật thủ đang ngày càng chiếm được vị trí quan trọng trong ngày Tết. Những trái “khủng” và hiếm cũng thể hiện con mắt và đẳng cấp của người chơi.
Cây Phật thủ mang lại lợi nhuận rất cao, nhưng nó cũng đòi hỏi người trồng phải bỏ ra rất nhiều công sức. Đây là loại cây dễ bị tấn công bởi sâu bệnh và thời tiết bất thường nên người trồng phải đặc biệt chú ý.
“Gia đình tôi trồng loại cây này được 6 năm rồi, cũng vất vả lắm. Ba người trong nhà đều dồn hết vào cái vườn này, lúc nào cũng có người ở đây. Giống này dễ bị sâu và nhện nó ấp lắm, nên hàng tháng phải phun 2 – 3 lần thuốc, mỗi lần hết cả 4 – 5 triệu đồng.” – bác Loan chia sẻ.
Thu hoạch phật thủ
Do nằm bên bờ sông Đáy nên dải đất nơi đây được phù sa bồi đắp hàng năm, là loại đất cát pha nên rất phù hợp để trồng các loại họ nhà bưởi. Hơn thế, người dân Yên Sở đã có gần 20 năm kinh nghiệm trồng phật thủ nên những công việc như ươm giống, phòng trừ bệnh, chăm sóc cây trở thành thế mạnh và chuyên môn đối với họ.
Phật thủ là loại trái cây có thể thu hoạc quanh năm. Mặc dù không thể ănđược nhưng nó được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là trong các dịp lễ,Tết nhằm trang trí cho mâm quả. Cũng vì thu nhập cao, ổn định nên hiện nay nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích, thuê đất để trồng thêm loại cây này. Diện tích trồng phật thủ của Yên Sở trải dọc theo bờ sông Đáy, rộng tới cả chục ha.
Phật thủ cũng khá kén đất. Mặc dù có rất nhiều nơi trồng loại trái cây này nhưng chỉ có phật thủ Yên Sở là nổi tiếng thơm và đẹp, đây cũng là một cái duyên trời ban dành tặng cho mảnh đất này.
Tuyến Phan
Nguồn: Dân Trí