Theo một nghiên cứu mới, Hà Lan là nơi tốt nhất trên thế giới cho chuyện ăn uống. Ngược lại, Chad là nơi tồi tệ nhất khi nhắc đến vấn đề tiêu thụ thực phẩm.
Báo cáo mới được biên soạn bởi Oxfam nghiên cứu sự tiêu dùng thực phẩm trên 125 quốc gia. Các nhà nghiên cứu xem xét trên những phương diện sau: liệu quốc gia đó có đủ đồ ăn, mọi người có thể chi trả cho ăn uống, thực phẩm có chất lượng tốt hay không và những bệnh liên quan đến chế độ ăn. Kết quả cho thấy, Hà Lan là nơi tốt nhất trên thế giới cho chuyện ăn uống, theo sau là Pháp và Thụy Sĩ. Hà Lan đứng ở vị trí đầu vì thực phẩm ở đó khá rẻ, tỉ lệ những người bị tiểu đường thấp và có tính đa dạng dinh dưỡng cao hơn các nước Châu Âu khác.
Trong tốp 12 nước hàng đầu có Áo, Bỉ, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Ai-len, Ý, Luxembourg và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, những quốc gia này không đạt điểm cao trong tất cả các hạng mục. Hà Lan có tỉ lệ béo phì cao, gần như 1 trên 5 người với chỉ số BMI cao hơn 30. Tỉ lệ khỏe mạnh là từ 18 đến 25. Trong những quốc gia thuộc tốp đầu, Úc là nước có tỉ lệ béo phì cao nhất – 27% dân số bị béo phì. Ở cuối bảng, Chad là nơi tệ nhất với tỉ lệ dinhdưỡng thấp, chi phí đắt đỏ và điều kiện vệ sinh kém.
Cứ ba trẻ ở Chad thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng. Đội sổ cùng Chad có Ethiopia và Angola. Mười nước đứng cuối là các quốc gia ở Châu Phi cận sa mạc Sahara và Yemen. Trong những nước này, chế độ ăn uống chỉ có các loại ngũ cốc ít dinh dưỡng, rễ cây và các loại củ. Nghiên cứu cũng cho biết Mỹ là nước dễ chi trả cho đồ ăn nhất trong khi Angola là nước khó chi trả nhất. Chất lượng thực phẩm tốt nhất ở Iceland và thấp nhất tại Madagascar. Nước có tỉ lệ tiểu đường cao nhất là Ả Rập và nước với vấn đề béo phì cao nhất là Kuwait. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 71/125.
10 nước tệ nhất xét về khả năng tiếp cận thực phẩm và chất lượng thực phẩm đều thuộc Châu Phi, khu vực cận sa mạc Sahara. Ngược lại, tỉ lệ béo phì lại rất thấp ở Bangladesh, Nepal và Ethiopia. Báo cáo của Oxfam cũng cho thấy suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến nhất tại Burundi với 67% dân số suy dinh dưỡng và 35% trẻ em nhẹ cân. Kế đến, Yemen là nước có vấn đề về dinh dưỡng tệ tiếp theo, sau là Ấn Độ và Madagascar. Tại Ấn Độ, 44% trẻ em nhẹ cân – tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Ở Ả Rập, 18% dân số bị tiểu đường và 1/3 bị béo phì. Kuwait là nước có tỉ lệ dân số béo phì tới 42%. Mỹ và Ai Cập cũng có 1/3 dân số bị béo phì.
Hà Lan là nơi tốt nhất để ăn vì thực phẩm ở đó có khả năng chi trả được và dinh dưỡng cao.
Điều bất ngờ là tỉ lệ béo phì tại các nước có nguồn thu nhập trung bình cũng rất cao. Fiji, Mexico và Venezuela thuộc nhóm 10 nước tệ nhất. Báo cáo cũng ghi lại rằng tỉ lệ béo phì cao nhất trên thế giới lại thuộc những đảo ở Thái Bình Dương nhưng những nước này không được tính đến trong nghiên cứu. Đảo Nauru có tỉ lệ béo phì cao nhất trên thế giới với 71% dân số bị béo phì. Tiếp theo nghiên cứu, Oxfam cũng rút ra một danh sách các việc cần làm để giải quyết một phần nào những vấn đề đó. Đó là đầu tư vào hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ, khắc phục biến đổi khí hậu và có những chính sách tốt hơn trong việc dự trữ lương thực phẩm để ngăn chặn tình trạng tăng giá.
Huyền Trân
Theo Daily Mail
Nguồn: Dân Trí