Hội chợ xuân Hoàng Quốc Việt, Hà Nội đã bày bán rất nhiều các sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có nhiều sản phẩm lâm sản đã đạt kỷ lục và có trị giá hàng tỷ đồng. Điều đặc biệt là các sản phẩm này do chính tay nhiều tù nhân làm nên…
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ nu lớn nhất Việt Nam có chiều dài khoảng 2m. Bức tượng này được làm từ một cục biếu của cây gỗ nu, một loại gỗ quý hiếm có nguồn gốc từ vùng núi rừng của tỉnh Hà Giang, phía Tây Bắc Việt Nam.
Người chủ gian hàng cho biết, bức tượng này có giá khoảng 5 tỷ đồng.
Tại gian hàng cũng bày bán một kỷ lục Việt Nam nữa đó là tượng Phật Bà Quan Âm Bồ Tát cao tới 2m, được làm từ gỗ ngọc am (có nghĩa là ngọc từ đất), một loại gỗ quý có hương thơm tự nhiên rất đặc biệt thường được sử dụng thời vua chúa ngày xưa.
Bức tượng được đặt trong lồng kính, trên thân tượng có nhiều sáp gỗ màu trắng như tuyết, càng tôn vẻ đẹp huyền bí của vị Phật Bà giàu lòng từ bi. Người chủ gian hàng cho biết, những sáp gỗ này tỏa ra mùi hương tự nhiên rất đặc biệt.
Tại gian hàng cũng bày bán một bộ sưu tập gồm bộ sập ụ, phản, tượng Phật Di Lặc, tượng hình con cóc, và hai lư bình làm bằng gỗ nu. Người chủ gian hàng cho biết, bộ sập ụ này có giá khoảng 1 tỷ đồng. Nó có đường kính tay vịn là 17cm, nhỏ hơn so với đường kính tay vịn có kích thước 18cm của một bộ sập ụ khác đã xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2011.
Riêng chiếc phản có giá 800 triệu đồng được cắt từ một đoạn thân cây gỗ nu có đường kính rộng tới 5m.
Toàn bộ các sản phẩm làm từ gỗ nu có những đường vân gỗ tự nhiên rất đẹp, mặt gỗ sáng bóng, khiến khách tham quan ngỡ tưởng là được làm từ đá quý.
Điều đặc biệt hơn nữa là toàn bộ những sản phẩm kỷ lục này do chính tay những tù nhân tại trại tạm giam ở Hà Giang làm nên và được các thợ tay nghề cao hoàn thiện những chi tiết tinh xảo cuối cùng.
Với quy mô 400 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, hội chợ xuân kéo dài 10 ngày (từ 18/1-28/1) bao gồm nhiều mặt hàng, sản phẩm như: Hàng nông-lâm-thủy sản chế biến, rau quả sạch, sản phẩm của các ngành nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ (sơn mài, tranh thêu, đồ trang trí nội thất…), đồ trang sức, lưu niệm, quần áo, đồ gia dụng, hoa lan, hoa mai…
Nhiều mặt hàng mang tính chất đặc sản vùng miền như: gạo nếp cái Hoa vàng, gạo nếp nương Điện Biên, giò chả Ước Lễ, giò me Nghệ An; giò ngựa Tuyên Quang; măng, miến, mộc nhĩ Hòa Bình, mỳ Chũ Bắc Giang; chè Tân Cương Thái Nguyên; cà phê Buôn Ma Thuột; hành tỏi Lý Sơn; mật ong, rượu cần Hòa Bình; thịt trâu gác bếp của vùng núi Tây Bắc… cũng được bày bán.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
Nguồn: Dân Trí