“Nó nhỏ, nhẹ, chỉ nặng 500g, và dễ dàng cho vào ví nữ”, ông nói về khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng .32. “Khẩu súng sáu viên đạn này rất dễ dùng và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 15m”.
Mặc dù nam giới cũng có thể mua vũ khí này, Nirbheek được coi là “khẩu súng đầu tiên dành cho nữ giới” ở Ấn Độ. Và để hấp dẫn chị em, súng được trang bị một vỏ màu hạt dẻ hợp thời trang.
“Phụ nữ Ấn Độ thường thích đồ trang sức“, ông Hameed giải thích.
Súng Nirbheek.
Nirbheek là một từ đồng nghĩa với Nirbhaya – biệt danh mà truyền thông Ấn Độ đặt cho nạn nhân vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở Delhi mới đây. Theo luật của nước này, tên thật của nạn nhân không được tiết lộ. Tuy nhiên, cả hai từ trên trong tiếng Hindi có nghĩa là Can Đảm.
“Chúng tôi thường yêu cầu nhân viên của mình gợi ý tên cho các sản phẩm mới. Chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến và quyết định chọn từ ‘Nirbheek’. Chúng tôi tin rằng những cô gái mang khẩu súng này sẽ cảm thấy can đảm”, Hameed cho biết thêm.
Việc phát triển khẩu súng nhỏ và nhẹ cho phụ nữ bắt đầu từ trước khi xảy ra vụ cưỡng hiếp ở Delhi nhưng sau sự kiện rúng động dư luận này, dự án càng được đẩy nhanh. Nữ sinh viên 23 tuổi đã bị cưỡng hiếp, tra tấn bằng gậy sắt và bị ném khỏi chiếc xe buýt đang di chuyển trên đường.
Theo ông Hameed, Nirbheek sẽ ngăn chặn được những kẻ tấn công tình dục nhờ “yếu tố bất ngờ”. Nhà máy này bắt đầu nhận đơn hàng từ ngày 5/1 và bất chấp giá súng ở mức 1.990 USD, vẫn có nhiều phản hồi tốt.
Anita Dua, một nhà hoạt động vì nữ quyền ở Ấn Độ, mua súng đã 8 năm nhưng chưa một lần sử dụng.
Sự xuất hiện của súng Nirbheek đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi về việc liệu mang súng có khiến một phụ nữ Ấn an toàn hơn. Ram Krishna Chaturvedi, chỉ huy cảnh sát Kanpur cho rằng đúng là như vậy. “Đây là một ý tưởng rất tuyệt. Nếu bạn mang một khẩu súng có giấy phép, nó sẽ giúp bạn tự tin hơn và khiến bọn xấu lo sợ”.
Ngay sau vụ cưỡng hiếp kinh hoàng ở Delhi, đông đảo phụ nữ ở các thành phố Ấn Độ bắt đầu tìm mọi cách giúp họ an toàn hơn. Chính phủ Ấn Độ cũng đã ban hành nhiều luật mới khắt khe chống lại tệ nạn cưỡng hiếp, triển khai thêm cảnh sát trên đường và một số thành phố còn lập đường dây nóng giúp đỡ phụ nữ.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ ít tin vào cảnh sát và họ đã đăng ký các lớp học tự vệ, thậm chí tích trữ lọ xịt ớt cay. Một số thông tin cho biết còn có sự tăng vọt về đơn xin sở hữu súng ở nữ giới.
Hàng nghìn người tưởng nhớ Nirbhaya 1 năm sau ngày nạn nhân tử vong.
Các câu chuyện kinh hoàng về hiếp dâm ở Ấn Độ hiện vẫn đang là đề tài nóng của truyền thông, mới đây nhất là vụ một du khách Đan Mạch bị một nhóm đàn ông hãm hiếp. Ở Calcutta, một cô gái bị cưỡng dâm tập thể 2 lần và sau đó đã tự tử bằng cách tự thiêu.
Các số liệu của Cục Dữ liệu tội phạm quốc gia Ấn Độ cho thấy số vụ cưỡng hiếp trên toàn nước này vẫn tăng và tính trung bình cứ 22 phút lại xảy ra một vụ.
Trong bối cảnh đó, nhóm chế tạo súng Nirbheek tin rằng súng này là một sự bổ sung hữu ích vào kho vũ khí dành cho phụ nữ Ấn Độ.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản đối điều này. “Tôi sốc và rất tức giận”, Binalakshmi Nepram, người sáng lập Mạng lưới Những người thoát khỏi súng ở bang Manipur, bày tỏ. Người này cho rằng việc bảo đảm an toàn cho các công dân là trách nhiệm của chính phủ.