Tinh Hoa

NSA ‘thu thập 200 triệu tin nhắn mỗi ngày’

Cơ quan an ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) thu thập và lưu trữ gần 200 triệu tin nhắn một ngày từ khắp thế giới, truyền thông Anh cho biết.

NSA thừa nhận dữ liệu SMS của công dân Mỹ có thể bị “thu thập một cách ngẫu nhiên”

NSA sao chép và lưu trữ dữ liệu từ những tin nhắn SMS, và các gián điệp của Anh đã được phép tiếp cận một số thông tin trong kho dữ liệu này, báo Guardian và kênh Channel 4 News cho biết.

Tin này dựa trên các tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden rò rỉ và được đưa ra trước thềm buổi công bố những thay đổi chính sách quan trọng tại Hoa Kỳ.

NSA nói với BBC rằng chương trình của họ “thu thập dữ liệu SMS một cách hợp pháp”.

“Ý kiến nói công tác thu thập [thông tin] của NSA là bừa bãi và không có giới hạn là không đúng sự thật,” NSA cho biết.

Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ công bố những thay đổi đối với các chương trình do thám điện tử của Hoa Kỳ vào thứ Sáu, 17/1, dựa trên kết quả cuộc điều tra về các hoạt động của NSA được một ủy ban của Nhà Trắng tiến hành.

Vào thứ Năm, 16/1, Nhà Trắng cho biết ông Obama đã trình bày với Thủ tướng Anh quốc David Cameron về kết quả điều tra.

Các tài liệu bị rò rỉ cũng cho thấy Trụ sở thông tin chính phủ Anh (GCHQ), cơ quan tương đương với NSA của Anh quốc, cũng đã sử dụng kho dữ liệu của NSA để tìm kiếm thông tin về các đối tượng tại Anh, báo Guardian cho biết.

Trong một thông cáo gửi đến BBC, GCHQ nói tất cả hoạt động của cơ quan này “được tiến hành trên cơ sở tuân thủ khuôn khổ luật pháp và chính sách nghiêm ngặt”.

‘Bảo vệ quyền riêng tư’

Chương trình Dishfire của NSA phân tích các tin nhắn SMS để thu thập những dữ liệu như số liên lạc, địa điểm, thông tin về tài chính cũng như những tên tuổi được lưu lại trong danh thiếp điện tử, tin cho biết.

Kho dữ liệu với quy mô lớn này, vốn vẫn được sử dụng đến cuối năm 2012, đã giúp NSA thu thập thông tin về những người không thuộc dạng bị theo dõi hay bị tình nghi.

NSA nói với BBC các hoạt động của cơ quan này là được thực hiện một cách “tập trung, nhằm vào những mục tiêu tình báo nước ngoài được xác định một cách có cơ sở, để đáp lại những yêu cầu về tình báo.”

Mặc dù thừa nhận dữ liệu SMS của người Mỹ có thể bị “thu thập một cách ngẫu nhiên”, NSA cho biết “quyền riêng tư của công dân Mỹ luôn được bảo vệ trong toàn bộ quy trình.”

“Bên cạnh đó, NSA cũng luôn làm việc tích cực nhằm loại bỏ những dữ liệu không cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể, trong đó bao gồm thông tin về những thường dân vô hại ở nước ngoài.”

Báo Guardian và kênh Channel 4 dẫn một tài liệu của GCHQ về chương trình Dishfire trong đó nói chương trình này thu thập “tất cả mọi thứ có thể” và miêu tả việc các chuyên gia phân tích của GCHQ có thể sử dụng kho dữ liệu này với một số giới hạn nhất định như thế nào.

Thông cáo của GCHQ nói: “Mọi công tác của GCHQ được tiến hành trên cơ sở tuân thủ khuôn khổ luật pháp và chính sách, nhằm đảm bảo rằng các hoạt động của chúng tôi là được cho phép, cần thiết, cân đối và chịu sự giám sát khắt khe.”

 Ông Obama được dự kiến sẽ công bố một số thay đổi đối với chương trình do thám điện tử của Mỹ

 

‘Hình thức’

Ông Snowden, cựu nhân viên NSA, đã bị buộc tội gián điệp tại Hoa Kỳ và hiện đang tỵ nạn tại Nga.

Hồi tháng trước, một ủy ban của Hoa Kỳ đã trình Tổng thống Obama hàng loạt đề xuất trong việc cải cách chương trình do thám điện tử của nước này.

Ông Obama dự kiến sẽ trình bày phản hồi của mình trước những đề xuất này, cũng như những cuộc đối thoại của ông với nhiều tổ chức tại Hoa Kỳ đang quan ngại về hoạt động do thám, trong một bài phát biểu tại Bộ Tư pháp vào ngày 17/1.

Ông được cho là sẽ ủng hộ việc lập ra chức vụ luật sư hiến pháp, đại diện cho công chúng để phản biện trước Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài, cơ quan bí mật phụ trách việc thẩm định các chương trình thu thập tin tức tình báo.

Ông Obama cũng được dự đoán là sẽ tăng cường bảo vệ quyền riêng tư cho công dân nước ngoài, trong đó có việc tăng cường giám sát hoạt động theo dõi các lãnh đạo nước ngoài và đặt ra giới hạn thời gian đối với các dữ liệu điện thoại được lưu trữ.

Tuy nhiên ông được cho là sẽ không bắt buộc NSA phải bàn giao kho dữ liệu điện thoại, theo đề xuất từ ủy ban của Nhà Trắng, mà sẽ để Quốc hội quyết định.

Các nhóm vận động cho quyền dân sự và quyền riêng tư tỏ ra thận trọng trước thềm bài phát biểu của ông Obama.

“Mặc dù hoan nghênh việc tổng thống thừa nhận rằng cần phải có sự thay đổi, chúng tôi cũng muốn cảnh báo rằng ông không nên hy vọng sẽ nhận được tràng vỗ tay vang dội vì những cải cách chỉ mang tính hình thức”, Ông David Segal, giám đốc tổ chức Demand Progress, nói với hãng thông tấn Associated Press.

Theo BBC