Ngân hàng Thế giới nói nền kinh tế toàn cầu đang tới “bước ngoặt” trong bối cảnh dự báo tăng trưởng mạnh hơn cho năm 2014.
Trong báo cáo thường niên về kinh tế thế giới, ngân hàng này cho biết các nước giàu có hơn dường như “cuối cùng đã thoát cuộc khủng hoảng tài chính.”
Ông Jim Yong Kim Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
Điều này có nghĩa sẽ giúp nền kinh tế các nước đang phát triển tăng trưởng mạnh hơn.
Tuy nhiên bản báo cáo cảnh báo triển vọng tăng trưởng “vẫn dễ bị tổn thương” đối với tác động của việc Hoa Kỳ rút lại các biện pháp kích thích kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã bắt đầu giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng của mình từng đề ra trước đây là 85 tỉ USD hàng tháng.
‘Rủi ro khủng hoảng’
Người ta quan ngại động thái này có thể đẩy lãi suất toàn cầu lên theo đó có thể ảnh hưởng đến dòng tiền vào và ra khỏi các nước đang phát triển và dẫn đến thị trường tài chính quốc tế nhiều biến động.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng một số nước đang phát triển “có thể phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng” nếu việc nới lỏng các biện pháp kích thích kinh tế đi kèm với biến động thị trường .
“Tăng trưởng dường như được tăng cường ở cả nước giàu và các nước đang phát triển, nhưng rủi ro tiêu cực tiếp tục đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, ông Jim Yong Kim Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết.
Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2 % trong năm nay , tăng từ 2,4% trong năm 2013, với chiều hướng được cải thiện từ các nền kinh tế phát triển .
Nước đang phát triển theo dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 5,3 % trong năm nay , tăng từ 4,8 % trong năm 2013.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên kinh tế của BBC Andrew Walker, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới Andrew Burns thừa nhận rằng Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Indonesia nằm trong số các quốc gia có thể dễ bị tác động do việc Hoa Kỳ thôi chương trình kích thích kinh tế.
Theo BBC